Gà giống Nhà nước hỗ trợ “chạy vào nhà” mẹ ruột Chủ tịch UBND xã: Người trong cuộc nói gì?
Theo phản ánh của người dân, năm 2023, xã Bình Lâm được Nhà nước hỗ trợ 3.000 con gà theo Nghị quyết số 24 ngày 14-10-2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025. Theo đó, UBND xã Bình Lâm chịu trách nhiệm khảo sát, lựa chọn những đối tượng để hỗ trợ số gà giống đem về nuôi. Việc hỗ trợ, lựa chọn đối tượng không có gì đáng nói nếu như một phần số gà trên không “chạy vào nhà” lãnh đạo xã và một số trưởng thôn như phản ánh của người dân. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc, vì sao khi chọn các đối tượng được hỗ trợ chính quyền xã không lấy ý kiến trưởng thôn trong xã mà tự ý chọn đối tượng để hỗ trợ?
Cụ thể, theo người dân cho biết, trong tổng số 3.000 con gà được Nhà nước hỗ trợ, có 300 con gà “chạy vào nhà” mẹ ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, 300 con gà “chạy vào nhà” ông Lê Văn Tá – Trưởng thôn Nhứt Đông và 300 con gà “chạy vào nhà” ông Trương Văn Đào – Trưởng thôn Ngọc Sơn (xã Bình Lâm). “Số gà còn lại được cấp cho ai, ở đâu thì nhiều người không rõ; và việc cấp phát trên hầu như các Trưởng thôn còn lại không biết, chính quyền xã không lấy ý kiến của các trưởng thôn”- một cán bộ thôn cho biết.
Về sự việc này, ngày 3-1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm thừa nhận, số gà trên đang được nuôi tại nhà mẹ ông, nhưng không phải của ông mà là của chị dâu ông. “Khi hay tin có nguồn hỗ trợ gà giống trên, chị dâu tôi đã đăng ký nhận nuôi 300 con. Vì nhà mẹ tôi đang có sẵn chuồng trại, nên chị dâu tôi đem đến đó để nuôi. Nhiều người không biết cứ nghĩ đó là của tôi nhận nuôi, nhưng không phải. Vợ chồng tôi có nhà riêng, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ ở đó”- ông Sơn lý giải.
Ông Sơn cũng cho rằng, chương trình hỗ trợ trên được áp dụng cho 2 nhóm đối tượng, nhóm thứ nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách; nhóm thứ hai là những hộ tự do, không có việc làm ổn định. Tổng kinh phí gà giống hơn 100 triệu đồng. “Việc lựa chọn đối tượng để hỗ trợ cũng được xã cân nhắc kỹ, thứ nhất phải thuộc diện được hỗ trợ, thứ hai phải có chuồng trại bài bản. Nếu họ không có chuồng trại để nuôi nhốt mà mình cấp họ đem về nuôi không hiệu quả thì ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước. Trường hợp chị dâu tôi thuộc nhóm thứ hai được hỗ trợ, gia đình cũng khó khăn, vợ chồng không có việc làm ổn định”- ông Sơn nói.
Tại nhà mẹ ông Nguyễn Hữu Sơn, qua quan sát chúng tôi thấy phía sau ngôi nhà có một trại đang nuôi hàng trăm con gà. Qua tìm hiểu được biết trại này trước đây được ông Sơn liên kết với Hợp tác xã (HTX) Minh Thủy để trồng nấm. Tuy nhiên sau đó HTX này không còn hoạt động. Trao đổi với mẹ ông Sơn, người này cho biết số gà trên do con dâu của bà tên Hiền nuôi từ tháng 7 đến nay và đã xuất bán 2 lần gà thịt. Số gà còn lại dự kiến sẽ bán cuối năm âm lịch này.
Liên quan đến vụ việc trên, hiện Ủy ban MTTQVN xã Bình Lâm đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Bình Lâm cho biết, thực hiện sự phân công của Đảng ủy xã, Ủy ban mặt trận đã tiến hành xác minh, tìm hiểu. “Qua tìm hiểu ban đầu thì có sai sót là không theo quy trình xét chọn. Trong đó có 2 trường hợp được nhận hỗ trợ là trưởng thôn nên cũng khiến nhiều người xôn xao, bàn tán. Nhưng cả 2 người này đều nằm trong diện được hỗ trợ, một người có con khuyết tật, người còn lại đang hưởng chế độ chính sách. Riêng trường hợp gia đình anh Sơn Chủ tịch xã thì chị dâu nhận nuôi chứ không phải vợ chồng anh Sơn… Thông tin ban đầu là vậy, còn hiện tại việc kiểm tra, giám sát vẫn đang tiến hành. Dự kiến trong tuần này Mặt trận sẽ có báo cáo cụ thể vụ việc cho Đảng ủy xã”- ông Dũng thông tin.
Bão Bình