“Gậy ông đập lưng ông”

Thứ bảy, 19/09/2015 09:49

(Cadn.com.vn) - Ở Mỹ và Châu Âu, nhiều nhà lãnh đạo đang tự thúc đẩy mối lo sợ về người tị nạn Syria: đó là nguy cơ các chiến binh Hồi giáo cực đoan IS trà trộn vào dòng người tị nạn đến “các miền đất hứa” này. Giới phân tích cho rằng, đây không chỉ là nỗi sợ hãi vô căn cứ mà còn là “mảnh đất màu mỡ” giúp IS gặt hái nhiều thành quả trong việc tuyển dụng các chiến binh mới.

Vì lòng từ bi nhân đạo, Châu Âu và Mỹ đã mở ra cánh cửa cho dòng người tị nạn chiến tranh đến từ Syria song vẫn còn quá chật hẹp. Họ có lý do để thận trọng như thế. Bởi một cánh cửa mở rộng hơn sẽ càng khuyến khích dòng người Syria đến tị nạn nhiều hơn dù họ có phải vượt qua những cuộc hành trình đầy nguy hiểm. Ngoài ra, các nước cũng lo ngại cho vấn đề an ninh do lo sợ những kẻ khủng bố Hồi giáo IS có thể trà trộn trong đám đông người di cư.

Nhưng sự sợ hãi này là rất mơ hồ và không có căn cứ. Bởi lẽ, IS có nhiều cách dễ dàng hơn để gửi các chiến binh đến các nước phương Tây. Ngoài ra, hầu hết những người tị nạn Syria đã sống nhiều năm tại các nước láng giềng Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan... trước khi đến phương Tây.

Nếu nỗi sợ hãi này vẫn tồn tại ở phương Tây, nó có thể tạo ra các hiệu ứng ngược, theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Một trong những công cụ tuyển dụng mạnh mẽ nhất cho các nhóm thánh chiến là nhắm vào nỗi sợ hãi đang bao quát phương Tây về người Hồi giáo. Đó là cách mà IS dùng để tuyển mộ những người Hồi giáo, vốn có chút bất mãn với sự phân biệt đối xử của phương Tây, đặc biệt là những người Hồi giáo luôn cảm thấy bị xa lánh và bị khinh miệt khi sống ở phương Tây.

Trong số các nước Châu Âu chào đón những người tị nạn Syria, Đức đã thành công khi có thể hiểu rõ về các mưu cầu của người Hồi giáo đang chạy trốn và cả nhu cầu của chính họ. Theo cách tương tự, giới chuyên gia khủng bố cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn các phần tử thánh chiến là “hãy ôm lấy chúng chứ không phải sợ chúng”. Một nghiên cứu của những người tị nạn Somalia ở Yemen cho thấy, những người được thừa hưởng nền giáo dục kiểu phương Tây ít có khả năng muốn tham gia các nhóm cực đoan như Al-Shabab, Al-Qaeda hay IS.

Kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001, phương Tây mắc phải nhiều sai lầm trong cuộc chiến chống khủng bố như tra tấn, giam giữ mà không xét xử các phần tử khủng bố... Đó chưa kể đến các vụ không kích nhầm dân thường và vi phạm cam kết với người Iraq tại nhà tù Abu Ghraib. Vì vậy, qua cuộc khủng hoảng di cư lần này, thiết nghĩ, các nước phương Tây nên “kiểm soát lại” nỗi lo sợ khủng bố. Thường thì, thuốc giải độc tốt nhất cho nỗi sợ hãi như thế này là “trao lòng từ bi” cho những người Hồi giáo đang cần giúp đỡ, chẳng hạn như mở cánh cửa tị nạn cho dòng người di cư lần này.

Thanh Văn