Giá thịt heo “nhảy múa”, nhiều tiểu thương tạm dừng bán
Thời gian qua, giá thịt heo tại tất cả các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục tăng cao khiến cho người mua và cả người bán đều lao đao, lo lắng. Đặc biệt, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho không ít hộ kinh doanh có thâm niên nhiều năm bán thịt phải tạm dừng bán, chờ thị trường bình ổn.
Chợ Hòa Khánh vắng người mua thịt heo bởi giá cao gấp đôi so với năm trước. |
Theo khảo sát của PV Báo Công an TP Đà Nẵng tại các chợ lớn ở Đà Nẵng như: chợ Hòa Khánh, chợ Đống Đa, chợ Cồn…, tại thời điểm ngày 31-12-2019, giá thịt heo tăng cao hơn 40% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thịt heo mông loại I có giá 150 nghìn đồng/1kg; thịt heo ba chỉ loại I ở mức giá 160 nghìn đồng/1kg; thịt vai loại I có giá 150 nghìn đồng/1kg; xương heo loại I có giá 100 nghìn đồng; sườn non loại I có giá 160 nghìn đồng/1kg.
Bà Trần Thị Nga với hơn 30 năm bán thịt tại chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, “chưa có năm nào mà tình hình giá thịt heo tăng cao như năm nay. Nhiều người cứ nghĩ giá thịt heo tăng thì người bán sẽ được lợi nhiều nhất nhưng thực tế không phải vậy. Bởi, khi giá thịt càng cao thì sức mua của khách sẽ giảm lại. Người kinh doanh thịt buộc phải tự giảm giá bán phù hợp với “túi tiền” của người mua. Việc tự điều chỉnh giá bán sẽ làm người kinh doanh “huề vốn” hoặc có thể lời nhưng không nhiều. Đặc biệt, nếu không tính toán cân chỉnh giá hiệu quả thì có thể dẫn tới bán lỗ”. Hiện tại, gần 40% hộ bán thịt heo tại chợ Hòa Khánh phải tạm nghỉ để chờ bình ổn giá, bà Nga cho biết thêm.
Chính bởi sự tự điều chỉnh giá thịt của các hộ kinh doanh khiến cho mức giá bán ra tại các chợ cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, chênh lệch giá cũng chỉ từ 5 nghìn đến 15 nghìn đồng trên cùng 1 loại thành phẩm bán ra. Chị Mai Thị Mỹ Hạnh – bán thịt tại Chợ Cồn cho biết, mặc dù trong thời gian gần đây giá thịt heo đã cơ bản ổn định nhưng mức giá vẫn khá cao nên người mua còn thưa thớt. Theo chị Hạnh, hiện nay dù biết bán thịt sẽ rất dễ lỗ vốn nhưng nhiều hộ không thể ngừng bán bởi sẽ mất đi những “bạn hàng” lâu năm. Tuy vậy, nếu từ lúc này đến Tết, giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều hộ phải dừng bán”.
Ông Nguyễn Công An – Trưởng BQL chợ Đống Đa cho biết, trước đây, một ngày trung bình các hộ kinh doanh thịt heo tại chợ Đống Đa bán từ 7 đến 8 tấn thịt, nhưng hiện tại chỉ khoảng 5 tấn/ngày. Nguyên nhân dẫn đến năng suất thịt bán ra giảm so với các năm là vì, giá thịt cao gấp đôi dẫn đến người mua hàng ít hơn thường lệ, cùng với đó, số lượng các chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua có chiều hướng giảm làm cho sản lượng thịt bán ra cũng giảm theo. Theo ông An, chợ Đống Đa có 50 hộ đăng ký kinh doanh bán thịt heo, đến thời điểm hiện tại, các chủ hộ trước đó ngừng bán thịt đã bắt đầu mở bán trở lại. Dự báo, trong thời điểm cận kề Tết, người bán và sản lượng thịt sẽ bắt đầu tăng thêm, phục vụ nhu cầu cao điểm cuối năm của người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Lành, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi và Thú y - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng thông tin, từ ngày 20-12-2019 trở lại đây, số lượng heo được giết mổ mỗi ngày mỗi giảm, hiện chỉ còn khoảng 900 con/ngày. Do thiếu hụt nguồn cung trong thời gian qua, giá thịt heo tươi cũng tăng lên từng ngày và tăng đến 50% so với năm trước. Ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng, việc thịt heo tăng giá mạnh trong thời gian qua ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung vì ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi thì nguyên nhân tiếp theo là do một số người chăn nuôi, thương lái “trữ hàng”, chờ thời điểm tăng giá cao hơn mới bán… Với tình hình biến động thị trường, giá cả thịt heo như hiện tại, hiện Sở Công Thương Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị sản xuất, phân phối thịt heo và các siêu thị xây dựng phương án nhằm dự trữ, bình ổn giá thịt heo, đảm bảo đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết sắp đến.
NGỌC QUỐC