Giải mã những vụ án bí ẩn (2)

Thứ hai, 28/07/2014 09:02

* Bài 2: Dấu vết không im lặng

(Cadn.com.vn) - Từ vỏ một chai nước suối, một đôi dép, mẩu thuốc lá, thậm chí những vi vết như lông tóc, nước bọt, vân tay... tại hiện trường đều là đầu mối để “giải mã” những bí ẩn sau mỗi vụ án và lôi thủ phạm ra ánh sáng.

3 đầu lọc thuốc lá

Đã tham gia giải mã hàng trăm vụ trọng án, nhưng Thượng tá Lê Minh Sùng - Phó Trưởng phòng KTHS CATP Đà Nẵng nhớ nhất là Chuyên án 115C mà đối tượng là một tên siêu trộm gây ra hàng loạt vụ trộm, cướp táo tợn trị giá tài sản tới hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng đã phá két sắt trộm tại Ban Giải tỏa đền bù số 37-Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng lấy đi 1,6 tỷ đồng (năm 2003); đột nhập Ngân hàng Việt Á tại Đà Nẵng lấy đi 4,5 tỷ đồng và 60.000USD (2005); đột nhập tiệm vàng Thanh Nhàn số 114-Lý Thái Tổ lấy gần 20kg vàng (2006).

Hiện trường tại các vụ trộm này đều cho thấy đối tượng rất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn táo tợn, tinh vi. Tại Ban Giải tỏa đền bù, người bảo vệ đã bị đánh thuốc mê sau khi đối tượng làm quen và mời nước uống tại phòng bảo vệ. Kế tiếp, chúng dùng kìm cộng lực phá cửa vào phòng kế toán, dùng mỏ hàn nhiệt cắt phá két sắt lấy 1,6 tỷ đồng. Tinh quái hơn, đối tượng đã có nhiều hành động xóa dấu vết tại hiện trường. Tuy vậy, cán bộ KTHS vẫn kịp thời thu được một dấu vết đường vân lòng bàn tay trái ở trong cánh tủ két sắt. Trong khi công tác truy tìm đối tượng còn đang tiếp tục thì tại Chi nhánh Ngân hàng Việt Á lại xảy ra vụ cướp. Bảo vệ khai rằng anh bị đối tượng khống chế rồi nhét giẻ vào miệng nên không kêu cứu được. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy đối tượng sau khi khống chế bảo vệ đã cắt dây điện thoại nối với bên ngoài rồi dùng kìm cộng lực cắt 3 ổ khóa, sau đó dùng mỏ hàn nhiệt phá két sắt lấy đi 4,5 tỷ đồng cùng 60.000USD. Tại hiện trường, cán bộ KTHS thu được 3 đầu lọc thuốc lá nghi là của đối tượng. Chúng đã được giữ lại để giám định ADN.

Trước hai vụ án nghiêm trọng gây chấn động dư luận này, các lực lượng cảnh sát đã được huy động để truy tìm hung thủ. 880 chỉ bản của các đối tượng nghi vấn đã được cán bộ KTHS giám định, nhưng vẫn chưa xác định được thủ phạm gây án. Trong lúc đó, tại tiệm vàng Thanh Nhàn lại xảy ra vụ trộm mất 20kg vàng. Khi đối tượng lấy vàng ra cửa bị người giúp việc phát hiện y đã bịt miệng, đe dọa rồi nhốt người giúp việc vào phòng tắm trước khi tẩu thoát. Qua nghiên cứu hiện trường, cán bộ KTHS phát hiện ra đối tượng đã vô hiệu hóa camera của tiệm vàng bằng cách cắt đứt dây ngoài trước khi hành động. Tại gian kinh doanh của tiệm vàng, cán bộ phát hiện một số dụng cụ gây án đối tượng để lại gồm 2 tuốc-nơ-vít, 1 kìm mỏ vịt, trên tầng 2 phát hiện 1 búa đinh, tại ổ kính thông gió trước hiên tầng 2, lực lượng KTHS thu được 3 dấu vết vân tay. Mở rộng hiện trường, lực lượng KTHS phát hiện 1 đôi dép cũ và một thang tre bên hè đường gần hiện trường. Từ các dấu vết, vật chứng đưa đến nhận định: bọn cướp phải có ít nhất 2 tên, chúng đã nghiên cứu khá kỹ quy luật hoạt động của tiệm vàng và khu vực xung quanh. Vì đây là khu vực có nhiều hàng quán kinh doanh ban đêm, đông người lui tới nên chúng không dùng kìm cộng lực phá khóa cửa chính mà dùng thang tre leo lên tầng 2 rồi chui vào trong qua ô cửa kính thông gió. Để tránh bị phát hiện, chúng đã phân công một đối tượng ở ngoài cảnh giới.

Đối tượng Nguyễn Văn Hùng bị bắt sau khi gây ra 3 vụ trộm, cướp
chấn động Đà Nẵng.

Từ các chứng cứ thu thập được, lực lượng KTHS nhận định cả 3 vụ án trên đều do một nhóm đối tượng gây ra. Qua sàng lọc 1.000 đối tượng nghi vấn, cuối cùng 5 chỉ bản của đối tượng nghi vấn cao nhất được giám định. Các dấu vân tay thu được tại Ban Giải tỏa đền vù và tiệm vàng Thanh Nhàn là của một đối tượng tên Nguyễn Văn Hùng (1957, trú tổ 43, Hòa Phú 4, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ngay khi Hùng bị bắt, mẫu máu, tóc, nước bọt của y đã được thu để giám định ADN. Quả nhiên, mẫu ADN trùng với trên đầu lọc thuốc lá thu được tại vụ cướp Chi nhánh Ngân hàng Việt Á. Như vậy, sau một thời gian dài đấu trí cam go, có lúc tưởng bế tắc, cuối cùng đối tượng gây ra 3 vụ trộm, cướp chấn động Đà Nẵng cũng bị các lực lượng CATP Đà Nẵng lôi ra ánh sáng.

Không vật chứng nào thừa

Tại hiện trường mỗi vụ án, các vật chứng dù nhỏ đến mấy, tưởng chừng vô dụng, chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng đều có giá trị nhất định. Cái tài của cán bộ KTHS là phải biết liên kết chúng lại thành một lôgíc để đưa ra nhận định sát thực, đồng thời biến chúng thành chứng cứ khoa học để khẳng định 100% của đối tượng gây án, tránh kết tội nhầm người, oan sai. Tại Nhà máy Mabuchi Motor thuộc KCN Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu sau khi nghỉ Tết năm 2012 đã xảy ra vụ trộm nghiêm trọng. Đối tượng đã lấy đi 1.657kg đồng nguyên liệu cực kỳ quý hiếm và giá trị dùng để sản xuất ra các chi tiết trong motor.

Đôi dép và thang tre Hùng cùng đồng bọn để lại hiện trường.

Qua nghiên cứu hiện trường, cán bộ KTHS nhận định thủ phạm không thể đột nhập để trộm nếu không có sự thông đồng với người bảo vệ hoặc người nội bộ của Cty. Qua khai thác màn hình camera khu vực sân quanh cửa ra vào, cán bộ KTHS phát hiện trong thời gian từ 0-2 giờ hôm xảy ra vụ án, màn hình camera bị một người dùng áo treo lên đầu cây gậy rồi đưa lên che khuất. Quá trình che và hạ xuống diễn ra nhiều lần. Tại vị trí che camera ở ngay khu vực bảo vệ, nếu không phải bảo vệ thì không ai có thể che được. Từ đó nhận định có thể một trong các bảo vệ đã gây ra vụ trộm.

Với thủ đoạn dùng sào treo áo che camera, Nguyễn Văn Minh và đồng bọn đã trộm một số lượng lớn đồng nguyên liệu của Cty Mabuchi Motor.

Tuy vậy, các dấu vết không thu được tại cửa chính, có thể bảo vệ đã che camera để đối tượng khác đột nhập bằng cửa hông hoặc cửa sổ. Khi tiếp cận cửa sổ, phải rất khó khăn cán bộ KTHS mới thu được một dấu vết đường vân. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, toàn bộ bảo vệ trong ca trực vào đêm xảy ra vụ án đã được mời làm việc để lấy vân tay. Từ đây không khó để cán bộ KTHS tìm ra thủ phạm chính là Nguyễn Văn Minh (1986, quê Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) là nhân viên Cty vệ sĩ bảo vệ cho nhà máy. Từ Minh, CQĐT đã lần ra 6 thủ phạm khác có liên quan và thu hồi được toàn bộ số dây đồng nguyên liệu quý giá được chúng đem bán cho một cửa hàng trên đường Âu Cơ.

Qua vụ án, Thượng tá Sùng nhận định, những tình tiết, vật chứng dù nhỏ đến mấy, rất rời rạc, nhưng chúng đều liên quan, vấn đề mình phải biết cách xâu chuỗi, liên kết chúng lại theo một lôgíc để từ đó tìm ra thủ phạm.       

Hải Hậu
(còn nữa)