Giải mã sức hút Chu Lai (Bài 1: Hấp dẫn từ cơ chế đến hạ tầng)

Thứ năm, 20/12/2018 11:29

Ngày 16-12 vừa qua, tỉnh Quảng Nam khánh thành vòng xuyến nút giao đường nối cao tốc xuống cảng Kỳ Hà với QL 1A đồng thời công bố điều chỉnh qui hoạch Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Nhìn lại 15 năm, KKTM Chu Lai đã phát huy sứ mệnh trở thành biểu trưng cho sự phát triển, chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Nam. Vì đâu Chu Lai có sức hút đầu tư thành công như hôm nay?

Hạ tầng KCN được đầu tư đồng bộ.

Sáng tạo của Quảng Nam

Trước năm 2003 ở nước ta chỉ có mô hình các KCN, và nếu chỉ áp dụng mô hình này thu hút đầu tư vào vùng cát trắng phía đông Quảng Nam yếu kém về hạ tầng, nhân lực sẽ rất khó khăn. Để giải bài toán này đòi hỏi phải có mô hình mới, mở và hấp dẫn hơn về cơ chế. Từ thực tế đó, Quảng Nam đã sáng tạo ra mô hình kinh tế mở để đề xuất Trung ương và được chấp nhận. KKTM Chu Lai ra đời là mô hình đầu tiên của cả nước. Ông Nguyễn Oanh Thi, Trưởng phòng Hợp tác - Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, cái mở và khác ở đây chính là cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT) về thủ tục đầu tư, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, các chính sách xuất khẩu... Cụ thể, khi đầu tư dự án tại đây, NĐT được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất hiện nay theo qui định của Pháp luật Việt Nam về đất đai, mặt bằng, các loại thuế, chính sách tài chính tín dụng, chuyển giao công nghệ.

Ông Phạm Ân, Phó trưởng Ban Quản lý KKTM Chu Lai cho biết, ngoài vận dụng linh động các cơ chế ưu đãi, đặc biệt là cơ chế cho giữ lại tất cả các nguồn thu phát sinh để đầu tư hạ tầng thì phải kể đến tư duy đổi mới trong phương thức điều hành, quản lý để phát triển KKTM Chu Lai.  Ông Ân nói, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho hệ thống chính trị biến cơ chế quản lý DN thành cơ chế đồng hành, cùng DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều DN lớn đã đến với Quảng Nam, đánh giá cao môi trường đầu tư ở Chu Lai. Biểu hiện cụ thể của cơ chế đồng hành cùng DN thể hiện trong các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh nhất. Quảng Nam đã thành lập Trung tâm hành chính công, tất cả các đầu mối về thủ tục hành chính từ thuế, hải quan, đất đai... qua trung tâm này, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho NĐT. Đơn cử như Cty Hyosung, sau khi đi khảo sát nhiều nơi đã quyết định đầu tư vào Chu Lai 1 dự án khoảng 1,3 tỷ USD, trước mắt sẽ khởi công dự án trên diện tích khoảng 13ha, 210 triệu USD, vì đánh giá cao môi trường đầu tư tại đây.

Khu phức hợp cơ khí ô-tô Trường Hải.

Sức bật từ hạ tầng

Từ một vùng cát trắng hạ tầng gần như không có gì, Quảng Nam đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực nhà nước và tư nhân để phát triển nền tảng hạ tầng cơ sở KKTM Chu Lai đa dạng và đồng bộ như hiện nay. Ông Ân nói, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối KKTM Chu Lai với cả nước và quốc tế hiện có sân bay Chu Lai đón 1,7 triệu lượt khách/năm, được qui hoạch là một trong 4 sân bay lớn nhất cả nước (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành, Chu Lai) theo tiêu chuẩn 4F. Cảng Kỳ Hà sau khi đầu tư hiện có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng  20.000 DWT, đặc biệt Quảng Nam đã  hình thành mới bến cảng Tam Hiệp cùng với hệ thống hậu cần vận chuyển đi quốc tế mà không phải thông qua các cảng trung chuyển tại Đà Nẵng,TPHCM. Năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Chu Lai khoảng 3 triệu tấn, địa phương cũng đang trình qui hoạch cảng này lên loại 1 mang tầm quốc gia, đảm bảo cho tàu 30.000 DWT đầy tải và có thể tiếp nhận các tàu 50.0000 DWT, là cảng đầu mối của khu vực miền Trung. Cũng theo ông Ân, về mạng lưới đường bộ, KKTM Chu Lai đã hình thành trên 100 km đường, trong đó các tuyến đường trục ngang kết nối các KCN, khu cảng, khu dân cư đô thị, khu du lịch đã và đang được đầu tư mới. Đặc biệt, từ Chu Lai kết nối với 3 tuyến đường huyết mạch quốc gia gồm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường 129 ven biển, Quốc lộ 1A. Trong đó, sau khi đầu tư cầu Cửa Đại nối đường ven biển đã tạo ra hành lang giao thông liên vùng nối từ Đà Nẵng, Hội An,  Chu Lai, Dung Quất, với quỹ đất rộng lớn, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị ven biển.

Để có mạng lưới hạ tầng phát triển, Quảng Nam phải huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực. Hơn 3.500 tỷ đồng từ ngân sách đã được đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ KKTM Chu Lai. Ngoài ra, nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) cũng rất lớn. Ông Vũ Hồng Nhân - Phó giám đốc Cty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho biết, đơn vị quyết định đầu tư hạ tầng các KCN Bắc Chu Lai, Tam Thăng vì nhận thấy nhu cầu, cơ hội phát triển rất lớn. Đơn cử như KCN Tam Thăng, diện tích đất cho thuê khoảng 160ha/197ha, chỉ sau 3 năm tỷ lệ lấp đầy đã tới gần 70%. KCN Tam Thăng hiện có 16 dự án đăng ký đầu tư, 13 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 428 triệu USD, khoảng 366 tỷ đồng, thu hút trên 8 ngàn lao động. Ông Nhân cho biết thêm, hạ tầng KCN Tam Thăng được đầu tư đồng bộ, tất cả các tuyến đường rộng 10,5m, vỉa hè 16m. Đây là KCN đầu tiên của cả nước có dự án nhà máy tái sử dụng nước thải với vốn đầu tư hơn 226 tỷ đồng, thu gom nước thải của KCN xử lý, cấp lại cho các nhà máy sản xuất với công suất 26 ngàn m3 ngày/đêm.

Hiện nay trên địa bàn KKTM Chu Lai có 8 KCN, trong đó 5 KCN đã được đầu tư hạ tầng với tổng diện tích hơn 3.500 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.  3 KCN còn lại đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh hạ tầng về giao thông, công nghiệp thì hạ tầng xã hội của KKTM Chu Lai cũng phát triển mạnh. 24 khu dân cư, tái định cư với tổng diện tích khoảng 917ha đã được qui hoạch, xây dựng. Các cơ sở giáo dục, trường đào tạo nghề, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, cơ sở y tế  được đầu tư,  trong đó có một số công trình lớn như Trường Cao đẳng nghề Chu Lai, Bệnh viện đa khoa TW (quy mô 500 gường) không chỉ phục vụ trên địa bàn Chu Lai mà còn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang nhận xét, so với các KCN, KKT khác thì hạ tầng KKTM Chu Lai đồng bộ hơn, thể hiện tâm thế của một KKTM có đóng góp lớn cho kinh tế của Quảng Nam và cả nước, tạo ra thương hiệu quốc gia về sản phẩm ô-tô.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH