Giám đốc tài chính Huawei ra tòa ở Canada

Thứ tư, 25/09/2019 11:34

Ngày 23-9 (sáng 24-9, giờ Việt Nam), Giám đốc tài chính (CFO) của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu cùng với các luật sư đã đến Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada để tham gia phiên tranh luận sơ bộ nhằm chống lại nỗ lực dẫn độ bà về Mỹ. Mặc dù phải đeo thiết bị giám sát ở cổ chân, bà Mạnh xuất hiện rạng rỡ và nụ cười thường trực trên môi.

Bà Mạnh Vãn Chu đến Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada hôm 23-9 (giờ địa phương). Ảnh: Bloomberg

Canada bị tố vi phạm quyền của bà Mạnh

Bà Mạnh Vãn Chu, 47 tuổi, đã bị Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc gian lận trong các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Huawei ở Iran. Tuy nhiên, cho đến nay, bà Mạnh khẳng định mình vô tội.

Tại Tòa án Tối cao British Columbia ngày 23-9, luật sư của bà cũng yêu cầu tòa án tiết lộ thêm thông tin xung quanh vụ bắt giữ bà, bao gồm cả những liên hệ liên quan giữa chính quyền Mỹ và Canada. Theo luật sư, thân chủ của mình bị bắt giữ bất hợp pháp sau khi bà hạ cánh trên một chuyến bay từ Hồng Kông (Trung Quốc) và khẳng định CFO của Huawei đã bị khám xét và thẩm vấn bất hợp pháp với thủ đoạn kiểm tra nhập cảnh và yêu cầu đình chỉ các thủ tục dẫn độ.

“Thực tế cho thấy Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) và Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã hợp tác và sắp xếp kế hoạch đối phó bà Mạnh theo cách vi phạm các quyền của bà”, luật sư của bà, Richard Peck nói trước tòa. Ông chỉ ra rằng các sĩ quan biên phòng Canada bắt bà Mạnh với cái cớ nhập cư và không thông báo cho bà về yêu cầu của Mỹ trong vụ bắt. Họ cũng sử dụng mật khẩu bà Mạnh tự nguyện cung cấp để xâm nhập máy tính và điện thoại của bà. “Họ thẩm vấn bà ấy trong suốt 3 giờ liền mà không tư vấn về các quyền của người bị bắt, sau đó bàn giao bà cho cảnh sát”, luật sư nói.

Tuy nhiên, phía Canada bác bỏ cáo buộc này. Trong tài liệu được công bố ngày 24-9, Bộ trưởng Tư pháp Canada khẳng định không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các quan chức kiểm soát biên giới hoặc cảnh sát nước này ứng xử không hợp lý khi CFO của Huawei bị bắt giữ tại sân bay Vancouver. “Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy cách hành xử của các quan chức, người Canada hoặc nước ngoài, vi phạm sự công bằng của các thủ tục dẫn độ”, Bộ trưởng Tư pháp Canada khẳng định. Cũng theo tài liệu trên, các luật sư của bà Mãnh được tiết lộ rất nhiều thông tin, trong đó có những ghi chép viết tay của các sĩ quan cảnh sát và kiểm soát biên giới, và các đoạn băng trích xuất từ sân bay.

Chống lại nỗ lực dẫn độ sang Mỹ

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã gây ra rạn nứt ngoại giao chưa từng có giữa Trung Quốc và Canada.

Dưới áp lực của Bắc Kinh, trong thời gian chờ kết luận của tòa án Canada về việc dẫn độ bà sang Mỹ, bà được Canada cho tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) nhưng chịu sự giám sát 24/7 khi đeo thiết bị giám sát ở cổ chân. Hiện, Washington muốn đưa bà Mạnh ra xét xử tội lừa đảo vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran và gian lận các ngân hàng của Mỹ, vụ việc khiến Bắc Kinh nổi giận và làm leo thang căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của bà Mạnh và các luật sư lần này là chống lại các nỗ lực dẫn độ bà đến Mỹ xét xử. Tại tòa, “công chúa” Huawei tiếp tục bác bỏ những cáo buộc của Washington đồng thời khẳng định mình vô tội. Các luật sư của bà cũng đang tung ra bằng chứng cho thấy Canada bị tố vi phạm quyền của thân chủ họ khi lục soát một cách bất hợp pháp khi bị bắt giữ, và bị thẩm vấn trái luật trên danh nghĩa kiểm tra xuất nhập cảnh để gây sức ép buộc Canada hủy phiên tòa xét xử việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

KHẢ ANH