Giảm lãi suất USD là kịp thời và nhạy bén với tình hình hiện tại

Thứ tư, 07/10/2015 09:14

(Cadn.com.vn) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng xoay quanh quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về 0%/năm với tổ chức và từ 0,75% về 0,25%/năm với cá nhân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được áp dụng từ ngày 28-9-2015.

TS Lê Xuân Nghĩa trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng.

P.V: Xin ông cho biết mục tiêu chính của giảm lãi suất USD vừa qua của NHNN?

TS Lê Xuân Nghĩa: Việc giảm lãi suất đồng USD lần này nằm trong lộ trình thực hiện Chương trình chống USD hóa của Chính phủ (là trục xuất USD ra khỏi hệ thống ngân hàng với tư cách là tiền gửi và tiền cho vay). NHNN hạn chế cho vay và gửi tiền bằng đồng ngoại tệ, trong đó có đồng USD là dứt khoát không có cho nhận tiền gửi và cho vay bằng đồng USD khi kết thúc Chương trình chống USD hóa này.

Hạ lãi suất đồng USD là làm cho đồng USD mất giá hơn tiền đồng, làm cho nó không còn hấp dẫn đối với cả người gửi tiền, cả với ngân hàng và cả với người đi vay tiền USD. Ví dụ như NHNN yêu cầu NHTM tăng tiền gửi bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng ngoại tệ và giảm trạng thái ngoại hối của NHTM từ 30% xuống còn ± 20%/vốn tự có (tức là có 1 đồng vốn ngoại tệ thì có thể kinh doanh lên 1,2 đồng hoặc 0,8 đồng).

Lãi suất hiện nay của đồng USD là thuộc dạng thấp nhất trong lịch sử, thậm chí đến một ngày đẹp trời trong tương lai hệ thống ngân hàng trong nước sẽ tuyên bố  chúng tôi không nhận tiền gửi và cũng không cho vay bằng đồng ngoại tệ nữa. Ai có ngoại tệ đưa bán cho ngân hàng hoặc các tổ chức được phép kinh doanh ngoại tệ và ai muốn mua ngoại tệ đến ngân hàng và các tổ chức được phép mua một cách sòng phẳng, rõ ràng minh bạch. Nếu không làm như vậy, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp như việc dịch chuyển tài sản từ nội tệ ra ngoại tệ tạo bất ổn về kinh tế vĩ mô, mất uy tín danh dự quốc gia.

Tiền đồng phụ thuộc vào chính sách của chúng ta nhưng USD lại phụ thuộc vào chính sách của Mỹ. Do đó, nếu chúng ta nắm trong tay tài sản mà chỉ chi phối được một phần còn lại bên ngoài chi phối thì không thể chấp nhận được và nếu có biến động lớn sẽ dẫn đến bất ổn.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất USD trong ngắn hạn các NHTM có thể có khó khăn về ngoại tệ do người dân, tổ chức họ không mang USD đến gửi hoặc gửi rất ít, thậm chí những người gửi trước đó đến rút USD để bán ra lấy tiền Việt trong khi đó đa số ngoại tệ của họ đang cho các DN nhập khẩu vay.

Có thể nói, động thái nới lỏng biên độ tỷ giá và hạ lãi suất đồng USD của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời, nhạy bén với thị trường hiện tại.

P.V: Như vậy, theo ông khi kênh đầu tư ngoại tệ kém hấp dẫn thì có tác động gì đến thị trường chứng khoán, bất động sản và các kênh đầu tư khác không thưa ông?

TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường chứng khoán, bất động sản, hàng hóa trong nước chủ yếu vận hành theo đồng nội tệ, vì vậy lãi suất của đồng tiền nội tệ quyết định đến sự biến động thị trường đó. Tuy nhiên, khi đồng USD mất giá, lãi suất tiền đồng ở mức hợp lý, người dân có ngoại tệ gửi tại ngân hàng họ cũng sẽ tính đến các kênh đầu tư khác. Nhìn chung thị trường chứng khoán, bất động sản đang ở mức giá hợp lý và thời gian qua vẫn có những điểm nóng cục bộ, một bộ phận người dân cũng có xu hướng rút tiền tiết kiệm đi đầu tư và từ nay đến cuối năm dòng tiền có thể hướng sang các kênh đầu tư đó.

P.V: Thông thường thị trường tiền tệ có sự biến động vào cuối năm do lượng kiều hối tăng mạnh, nhu cầu tiền mặt lớn, vậy ông dự báo như thế nào về thị trường tiền tệ cũng như áp lực về tỷ giá cuối năm?

TS Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng, thị trường tiền tệ Việt Nam đến cuối năm về cơ bản sẽ ổn định, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng không ảnh hưởng lớn đến lãi suất cho vay, mặc dù tín dụng có xu hướng tăng. Tỷ giá hối đoái cũng sẽ ổn định và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Có hai yếu tố có thể tác động nhất định đến thị trường tiền tệ, một là nếu Mỹ tăng lãi suất với mức tăng lớn (điều này rất khó xảy ra), hai là nếu Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh lớn tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thả nổi có kiểm soát tỷ giá hối đoái, nên về cơ bản, nếu có điều chỉnh chỉ là tăng giảm theo thị trường, với mức độ không đáng kể. Như vậy, những tác động từ bên ngoài vào thị trường tiền tệ Việt Nam từ nay đến cuối năm không lớn. Theo dự báo trong nước nhập siêu cả năm khoảng 5-6 tỷ USD, do đó sẽ không có biến động lớn.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Đương
(thực hiện)