Giảm thiểu tai nạn giao thông - nhìn từ góc độ ý thức
(Cadn.com.vn) - Tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay đang là vấn đề mang tính thời sự đối với mỗi địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Hàng ngày, hàng tuần, qua các phương tiện thông tin đại chúng, những con số lạnh lùng, nhức nhối về những vụ TNGT diễn ra ở đây đó, những cái chết thương tâm… cứ đều đặn được thông báo đến mọi người. Đã có những "tháng hành động", "tuần lễ ra quân"…, để lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhiều hình thức xử phạt được áp dụng… Tuy số vụ TNGT, số người chết thời gian qua có giảm rõ rệt, nhưng TTATGT là mối quan tâm, trăn trở thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố. Không ít biện pháp, giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT cũng như số người chết, bị thương… nhưng thực sự đây vẫn còn là một bài toán không phải có lời giải trong ngày một ngày hai.
Đi tìm nguyên nhân của các vụ TNGT, nhìn nhận một cách khách quan, có lẽ không khó để tìm ra một nguyên nhân khá bao trùm là xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông, các chủ phương tiện và phần nào do chế tài không đủ mạnh để làm cho người vi phạm phải lo lắng vì ảnh hưởng lớn đến thu nhập… Không như nhiều quốc gia phát triển mà việc bị phạt một lần là người bị phạt- như người ta thường nói- là "tởn đến già"!
Chưa đi sâu về các vấn đề liên quan đến các điều luật, chế tài, ở đây, chỉ xin đi sâu vào vấn đề ý thức của người lưu thông, của các chủ phương tiện trong quá trình tham gia giao thông, mà chúng ta vẫn thường bắt gặp hàng ngày trên các tuyến đường.
Đi đúng phần đường, làn đường sẽ hạn chế gây TNGT cho mình và người tham gia giao thông. |
Chuyện thứ nhất, liên quan đến ý thức, nhận thức của công dân. Đối với công dân của các thành phố thị xã, việc dừng xe tại giao lộ khi có đèn đỏ, không được đi vào đường một chiều, không được chở 3 trở lên v.v… từ các em học sinh phổ thông đến các bác xe ôm, không mấy ai mà không biết, nhưng chỉ vì ý thức kém mà người ta vi phạm. Dẫn chứng rõ nét nhất là hiện tượng "nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông" của người lưu thông khi có bóng dáng cảnh sát giao thông (CSGT) túc trực tại các giao lộ, tuần tra trên đường một chiều… Ngược lại, khi vắng bóng CSGT thì một số người có biểu hiện vi phạm ngay. Hiện tượng này thời gian gần đây xuất hiện khá phổ biến ở Đà Nẵng. Một ví dụ khác là ý thức phụ thuộc vào thời điểm lưu thông và thời tiết. Đơn cử, lúc trời mát mẻ, đường đông người thì người ta nghiêm túc dừng xe khi có đèn đỏ. Nhưng khi trời có mưa hay nắng nóng, lưu lượng xe cộ thưa thớt là lại có người "tranh thủ" vượt đèn đỏ ngay! Rõ ràng, đây là biểu hiện của tính thiếu tự giác, nằm trong phạm trù về ý thức.
Chuyện thứ hai, thuộc về ý thức nhưng là sự vô thức, tai nạn xảy ra do chủ quan, có khi đã thành thói quen, thậm chí là cả sự lười biếng của người tham gia giao thông. Từ đó, dẫn đến những tai nạn không đáng có. Xin nêu một số trường hợp:
Mỗi khi đến giao lộ, khi rẽ trái, không ít người, vì muốn nhanh, thường "đi tắt" bằng cách ép sát vào lề bên trái, thay vì phải đến giữa giao lộ mới rẽ. Trường hợp này rất dễ dẫn đến va chạm với người lưu thông từ phía ngược lại, cho dù những người đó đi đúng luật nhưng cũng không tránh khỏi tai nạn.
Trường hợp khác, trước khi rẽ trái hoặc phải, một số người lại không báo hiệu xin đường bằng cách đưa tay hoặc chớp đèn, trong khi đa số xe máy đều có đèn xinhan nhưng lại ít được sử dụng. Cũng có khi trước khi rẽ, qua đường… người ta có báo xin đường nhưng mới đưa tay ra hoặc vừa chớp đèn, chưa cần biết đằng sau có người hay không là rẽ ngay, từ đó cũng rất dễ dẫn đến tai nạn. Khi sự việc đã rồi có người còn cố cãi là mình đi đúng luật, có xin đường, nhưng với cách xin đường như vậy thì khó ai mà phản ứng kịp. Ngoài ra còn có những tai nạn khác do sự sơ ý như quên gạt chân chống, vừa đi xe vừa nghe điện thoại di động, đi từ kiệt hẻm ra không chú ý quan sát…
Xung quanh chuyện làm thế nào để hạn chế số vụ TNGT là cả một câu chuyện dài, liên quan đến nhiều yếu tố, từ pháp luật đến nhận thức của toàn dân, từ tuyên truyền, giáo dục, răn đe đến chế tài…Tham gia vào quá trình này phải được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân. Không thể chỉ cần tổ chức nhiều "tháng hành động", nhiều "tuần lễ an toàn giao thông"... là có thể giảm ngay được số vụ tai nạn. Điều cốt yếu vẫn là ở ý thức công dân, là sự nghiêm minh của pháp luật và những người thực thi nó.
Dân Hùng