Giáo viên “bơi” theo bằng cấp, chứng chỉ
(Cadn.com.vn) - Ngày 14-9-2015, thông tư liên tịch số 20/2015 TTLT- BGD ĐT-BNV được ban hành quy định mã số tiêu chuẩn chức danh nhà giáo các cấp mầm non, tiểu học, trung học, có hiệu lực từ tháng 11-2015. Theo đó, thông tư xếp hạng giáo viên các cấp quy định: giáo viên các cấp phải có trình độ Anh văn A1 (tiểu học, THCS), A2 (THPT) theo khung quy chuẩn tham chiếu Châu Âu. Điều này khiến giáo viên phải khổ sở “bơi” theo bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, theo phản ảnh của giáo viên thì “hầu như có rất ít giáo viên đạt được trình độ Anh văn theo như quy định, nếu có bằng thì cũng chỉ là đối phó chứ không thực chất”.
Ăn ngủ không yên
Kể từ khi thông tư được ban hành, nhiều giáo viên lo lắng, thậm chí có người ăn ngủ không yên, bởi đạt được trình độ Anh văn theo quy định không dễ. Tại Đà Nẵng, địa phương từng được đánh giá là có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao về Tin học, Ngoại ngữ nhưng không ít trường, giáo viên tỏ ra hoang mang, lo lắng khi hiệu trưởng triển khai công văn của sở về các quy định của thông tư tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên. Thầy M.S., người có thâm niên trong nghề 30 năm tỏ ra chán nản: “Chúng tôi chỉ còn vài năm nữa là nghỉ hưu, mà phải lo đi thi kiếm cái bằng Anh văn cho đủ chuẩn thì quá sức vô lý. Thời gian đâu để mà học, hơn nữa tuổi này học ngoại ngữ làm sao học cho được?”.
Số khác thì tâm tư: “Ngoài công việc ở trường còn lo việc nhà, con cái, thời gian đâu chúng tôi học và thi. Thậm chí nếu chúng tôi bỏ công việc, bỏ học sinh để đi ôn tập thi thì sau khi có bằng cấp Anh văn, những giáo viên thể dục, sử, địa... dùng bằng để làm gì?”. Giáo viên ở thành phố còn lo lắng, khó khăn như vậy thì giáo viên nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa làm sao có thể học và thi để đáp ứng theo quy định?
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn lo lắng nếu không đạt trình độ Anh văn nói trên, tức là không được xếp loại ở mức thấp nhất (hạng IV - tiểu học, hạng III - THCS, THPT) thì sẽ xếp giáo viên như thế nào, và việc xếp lương sẽ ra sao...
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giáo viên ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang nháo nhào đến các trung tâm đăng ký học và thi chứng chỉ Tin học và bằng Anh văn. Một giáo viên cho biết: “Tôi nghe nói người ta sẽ có “chiêu” để thi đỗ nên đăng ký học chứ nói thật thi sòng phẳng thi bằng A cũng khó đậu đừng nói là bằng A2 theo chuẩn Châu Âu”.
Giáo viên các cấp tiểu học có nhất thiết phải có trình độ Anh văn A1? (ảnh minh họa). Ảnh: Internet |
Động lực cho giáo viên?
Trước những băn khoăn, thắc mắc nói trên của nhiều giáo viên, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: Thực hiện thông tư liên tịch nêu trên, tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng và được hưởng chế độ lương như cũ mà không có yêu cầu thêm về bất cứ điều kiện nào khác. Về bậc lương và việc nâng lương định kỳ đều không bị ảnh hưởng.
Riêng về các trường hợp giáo viên muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ hạng đang giữ lên hạng cao hơn) thì phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng muốn thăng.
Do vậy, giáo viên phải tự học hoặc tham gia bồi dưỡng để có đủ năng lực và trình độ theo các tiêu chuẩn chức danh quy định, đáp ứng được những nhiệm vụ của hạng nghề nghiệp cao hơn. Nếu những viên chức này không đáp ứng tiêu chuẩn ở hạng cao hơn thì không được thăng hạng, nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kỳ và được hưởng lương vượt khung theo quy định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng.
Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, cho từng hạng. Chương trình sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phát triển tài liệu, tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Những giáo viên có đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng sẽ tham gia bồi dưỡng theo chương trình này.
Trong khi đó, theo cán bộ quản lý các trường thì việc phân hạng giáo viên là cần thiết, vừa đảm bảo sự công bằng, vừa là động lực thúc đẩy giáo viên chịu khó nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, nhất là đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đặt ra. Thăng hạng sẽ giúp giáo viên tăng thêm thu nhập, đó là động lực để giáo viên phấn đấu. Tuy vậy, phần đông giáo viên cho rằng, những quy định trong Thông tư về Tin học, ngoại ngữ vô tình đã tiếp tay cho tiêu cực, còn giáo viên phải hao tổn một số tiền lớn, có khi phải hàng triệu bạc cho những trung tâm “dạy chơi, ăn thật” đang mọc lên như nấm khắp nơi hiện nay!
Thiết nghĩ, việc phân hạng giáo viên nên nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn, trong đó chú trọng năng lực và hiệu quả công việc chứ không nên nặng về bằng cấp, chứng chỉ!
Hoài Thuận