Gió Làng Vân

Thứ bảy, 16/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - 20 phút vượt sóng trên chiếc thúng chai của một người dân bản địa, chúng tôi mới đến được làng Vân (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Một ngôi làng yên bình quanh năm nghe gió reo, sóng vỗ, vốn rất hiếm khi có khách lạ đến thăm. Nhưng giờ đã khác. Khi thông tin về một dự án du lịch lớn sẽ được triển khai tại đây thì ngôi làng xôn xao hẳn. Để rồi, sau những bước chân vội vã của những người đến “gom đất”, đêm về, người dân lặng lẽ thức với những ưu tư, với những tiếng thì thào của sóng, của gió...

Xôn xao “ốc đảo”

“Năm 2004, chúng tôi nghe sẽ có một dự án được triển khai tại làng. Thực hư thế nào không rõ nhưng ai nấy cũng đều nôn nao. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2008, lại rộ lên việc triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Lúc này người dân càng hoang mang vì thông tin về dự án dồn dập hơn lần trước”- ông Trần Hữu Đức, Trưởng thôn làng Vân cho biết. Cũng theo ông Đức, nhiều người dân không biết thực hư dự án thế nào nên không dám mua sắm ngư cụ, không dám khai hoang thêm để trồng trọt…Tin rộ lên rồi rơi vào im lặng. Như để minh chứng cho lời ông Đức, ông Bùi Xà, người Huế, vào định cư tại làng Vân từ năm 1980, xác nhận: “Lâu nay tui cũng chỉ dùng những ngư cụ thô sơ để đánh bắt cá tôm gần bờ thôi, đâu dám sắm thêm lưới, sợ giải tỏa lúc nào không biết”.

Làng Vân phong cảnh hữu tình. 

Sự ồn ã của làng Vân chỉ lên đến đỉnh điểm vào khoảng tháng 4-2011. Lúc này hàng chục người từ nơi khác ào ạt đến làng hỏi mua đất làm nhà. Thông tin về một dự án lên đến 5 tỷ USD sắp được triển khai tại làng Vân cũng “cắm rễ” vào làng Vân từ đó. Vậy là một lần nữa làng Vân náo nhiệt. Hằng ngày không biết có bao nhiêu lượt người đến hỏi mua đất. Đầu tháng 4-2011, người ta qua mua 100m2 đất với giá 10 triệu đồng. Một số người dân không nơi nương tựa hay những người mang bệnh trong làng đã bán đất vì nghĩ kiếm ít tiền để lo toan tuổi già. Nhưng rồi nhiều người đến hỏi mua hơn, giá đất được đẩy lên 15 rồi 20 triệu đồng 100m2 đất. Tiếp theo là những đoàn thuyền đều đặn vận chuyển vật liệu xây dựng ra “ốc đảo”. Chỉ sau một thời gian ngắn, 86 căn nhà xây dựng trái phép được dựng lên, xấp xỉ với số lượng nhà cửa của bao đời ở làng Vân này cộng lại. Trước những biến động bất thường đó, ngày 26-5, Đội công tác liên ngành Q. Liên Chiểu đã xử lý tháo gỡ 86 ngôi nhà (21 ngôi nhà phải tháo gỡ, 65 cái tự đập phá). Mọi thứ trong làng được trả về lại đúng vị trí ban đầu!

 Làng Vân yên bình quanh năm nghe gió thổi, sóng vỗ.

Nỗi ám ảnh “làng phong”

 “Trong những cuộc họp gần đây, tui đã được thông báo về dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại làng Vân. Và lần này, chắc chắn người dân làng Vân sẽ được di dời vào “đất liền”. Tuy nhiên, trong những lần tiếp xúc với người dân, tui hiểu được những lo lắng của họ về quá trình hòa nhập cộng đồng, về công việc làm ăn sau khi giải tỏa làng Vân”- ông Đức trầm ngâm. Hầu như dân cư làng Vân ai cũng sẵn sàng di dời để nhường đất cho việc triển khai dự án, nhưng đằng sau đó là mong muốn, là khao khát: việc giải tỏa đền bù sẽ được thực hiện thỏa đáng, công ăn việc làm ổn định, con cái được học hành... Trong bao nỗi ưu tư ấy, có cả việc phân loại người bệnh và người lành để bố trí tái định cư phù hợp, tránh tình trạng tái hiện “làng phong” thứ hai. Có thể cảm thông cho cư dân làng Vân điều này. Bởi, dù khoa học đã khẳng định bệnh phong đã không còn là “nan y” từ lâu, xã hội khuyến khích cộng đồng gần gũi và sẻ chia với người bệnh và con cái họ... Nhưng, vẫn còn đó những cái nhìn “xa lạ”, những cử chỉ né tránh người làng phong, kể cả thế hệ thứ hai,  ba, hay tư. Anh Nguyễn Đức Ái, thế hệ thứ hai của làng Vân kể rằng, có một người trong làng học lên đến thạc sĩ, là giảng viên đại học nhưng cũng đã rưng rưng nước mắt vì thi thoảng, có người bảo anh là “người làng cùi”. Hay như chính con anh Ái, cháu Nguyễn Đức Lương, năm nay vào lớp 10, cũng đã xô xát với bạn vì bị trêu, hay bị tỏ thái độ tương tự...

Làng Vân hình thành từ năm 1968 với 40 di dân đầu tiên là những người bị bệnh phong đến từ Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đến nay, làng Vân có 134 hộ với 325 nhân khẩu. Tháng 5-2011, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp tại làng Vân. Theo kế hoạch, đến đầu tháng 12-2011 công tác chuẩn bị dự án sẽ được triển khai và tiến hành di dời các hộ dân “ốc đảo” làng Vân vào “đất liền”.
Hiện tại, có ba xu hướng nguyện vọng của người dân làng Vân nếu giải tỏa: Những người bị bệnh, không nơi nương tựa mong muốn được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng. Một số người bệnh có người thân thì mong được phân vào KDC mới. Thế hệ trẻ làng Vân không mắc bệnh thì mong ước được bố trí định cư hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết, theo chủ trương của TP Đà Nẵng, cuối năm nay sẽ tiến hành di dời các hộ dân làng Vân vào đất liền để sinh sống, nhường đất để xây dựng dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Đối với 45 bệnh nhân phong, TP đã xây dựng khu điều dưỡng ở P. Hòa Hiệp Nam để đưa họ vào đó sinh sống. Với các hộ dân còn lại có thể sống tập trung ở khu nhà liền kề hay khu dân cư nào đó hoặc sống xen kẽ với người dân địa phương. Ngoài ra, Q. Liên Chiểu đã đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tìm hiểu, giải quyết, tạo công ăn việc làm, có chính sách hỗ trợ người dân làng Vân ổn định việc làm, nơi ăn ở và học tập.

Chia tay làng Vân, trên chiếc xuồng máy trở về phố xá, gió bỗng nhiên thổi mạnh. Những con sóng bạc đầu, và mây- biểu tượng của Làng Vân- từ đâu đó hiện lên trùng trùng, cùng cư dân làng Vân tiễn chúng tôi bằng những lời nhắn gửi. Trong ấy, có nỗi ưu tư, nuối tiếc và kỳ vọng...

Lê Anh Tuấn