Giữ biển

Thứ hai, 09/03/2015 07:55

(Cadn.com.vn) - Trong những ngày này, khi các thế lực ỷ vào sức mạnh, đã và đang bất chấp đạo lý, luật pháp, tiến hành nhiều hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông, thực hiện âm mưu bành trướng trên biển…, thì ở phía khác, những ngư dân của huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, hậu duệ của đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa, cùng với ngư dân cả nước vẫn vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Câu chuyện cận cảnh về họ tuy bình dị mà cũng vô cùng ý nghĩa, như một đạo lý muôn đời của con dân đất Việt.

Những ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn không còn xa lạ với chuyện gặp tai nạn hay tình huống rủi ro do thường xuyên bị tàu nước ngoài uy hiếp bắt giữ, đập phá, bị cướp tài sản khi đang tham gia đánh bắt hải sản ngoài khơi xa. Tuy nhiên, những trở ngại đó không làm nao núng nỗ lực, quyết tâm vươn khơi bám biển của bà con ngư dân. Lão ngư Dương Minh Thạnh, 63 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, người có thâm niên gần 40 năm bám biển Hoàng Sa, được mệnh danh là chỉ huy trưởng Đội Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn những năm 80 của thế kỷ trước bày tỏ: “Nghề đi biển là nghề truyền thống của bao lớp cha ông chúng tôi, mình là lớp hậu sinh phải có trách nhiệm giữ nghề giữ biển đảo để không hổ thẹn trước vong linh ông bà tổ tiên”.

Cuộc sống của hàng ngàn hộ ngư dân các làng chài trên đảo Lý Sơn đều trông chờ kết quả của những chuyến vươn khơi bám biển, nếu không bám biển, bám ngư trường để mưu sinh, đồng nghĩa với việc thất nghiệp cuộc sống lâm vào cảnh đường cùng, khó khăn. Vì vậy, dù khó khăn luôn chực chờ phía trước nhưng hàng trăm tàu cá của ngư dân vẫn ngày ngày dong buồm rẽ sóng ra khơi để kiếm thêm thu nhập, nuôi sống gia đình, làm giàu cho xã hội, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Võ Minh Vương, 40 tuổi, chủ tàu cá QNg 96279 TS, ở Thôn Tây xã An Vĩnh, có thâm niên hơn 20 năm bám biển bám ngư trường Hoàng Sa, ông đã không ít lần bị tàu nước ngoài vô cớ rượt đuổi, tấn công, cướp tài sản khi đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. Ngư dân Vương nhớ lại: Lần đầu tiên vào năm 2001, khi đó ông bị sóng biển nhấn chìm chiếc tàu trên 350 CV, có giá gần 100 cây vàng, mất phương tiện kiếm sống, nợ nần chồng chất ông phải nằm bờ gần nửa năm, sau đó ông lại vay mượn bạn bè, người thân đóng mới một tàu cá khác công suất trên 450 CV. Cuối năm 2005, tàu cá này bị Trung Quốc bắt giữ trái phép khi ông và các bạn chài của mình đang thả câu tại ngư trường Hoàng Sa, mất tàu, mất lưới, buộc ông và các bạn chài của mình phải bươn chải làm thuê dưới các tàu cá của ngư dân địa phương để kiếm tiền mua gạo nuôi sống gia đình, nhiều năm tích góp đến đầu năm 2011 ông lại đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi Hoàng Sa.

Không chỉ quyết tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường, ngư dân Lý Sơn giờ đây còn bảo ban nhau đầu tư góp vốn đóng tàu to, máy lớn tiếp tục vươn khơi, họ liên kết, hỗ trợ nhau để đánh bắt làm ăn có hiệu quả. Nghiệp đoàn nghề cá An Hải và An Vĩnh ra đời, bà con thấy được hiệu quả của việc hợp tác cùng nhau ra khơi đánh bắt, hỗ trợ nhau trong những tình huống thiên tai và  sự cố trên biển nên càng gắn kết.

Ngư dân Nguyễn Lộc, một chủ tàu cá ở thôn tây xã An Vĩnh cho rằng, chưa bao giờ ngư dân vươn khơi yên tâm như hiện nay, bởi sự sẻ chia của cộng đồng, sự quan tâm của nhà nước mà đặc biệt là từ khi ông tham gia vào tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá, tình hình làm ăn trên biển đã có nhiều thuận lợi. Theo ngư dân Lộc, khi gặp tai nạn rủi ro, hoặc bất trắc trên biển họ luôn được sự hỗ trợ, trợ giúp của các bạn tàu, của cộng đồng xã hội, không như trước đây phải đơn lẻ một mình trên biển. “Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng quyết bám biển bám ngư trường để mưu sinh, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ngư dân Lộc khẳng định.

Anh Thư