Giương đông, kích tây

Thứ tư, 24/10/2018 10:36

Tổng thống Donald Trump đã gây ra làn sóng chỉ trích gay gắt trên khắp thế giới khi quyết định rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) với Nga.

Sau Nga, Trung Quốc là quốc gia phản ứng khá mạnh mẽ trước động thái này khi bản thân Tổng thống Trump cũng không ngần ngại đối đầu với Bắc Kinh trong việc này khi xác nhận, quyết định của ông xuất phát từ sự cần thiết phải phản ứng đối với việc xây dựng hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh đã kêu gọi Washington “suy nghĩ kỹ” về quyết định này. Ngày 23-10, Trung Quốc còn cảnh báo sẽ “không bao giờ chấp nhận bất kỳ hình thức tống tiền nào” khi nói về quyết định của ông Trump.

Thật sự, việc Mỹ rút khỏi INF không chỉ làm gia tăng căng thẳng với Nga mà cả với Trung Quốc. Thực tế, kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga có thể giúp Lầu Năm Góc có nhiều lựa chọn mới nhằm đối phó với sự tiến bộ tên lửa của Trung Quốc. Nhưng, người Mỹ liệu đã tính đến nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang kế tiếp, vốn có thể gây gia tăng căng thẳng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hay chưa?

Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ luôn cảnh báo Washington đang bị đặt vào thế bất lợi trước sự phát triển ngày càng gia tăng của các lực lượng tên lửa trên bộ của Trung Quốc, trong khi Lầu Năm Góc không thể sánh ngang do INF giữa Mỹ và Nga. Tổng thống Donald Trump có ý định sớm trao cho Lầu Năm Góc cơ hội đương đầu với sự tiến bộ này, nếu ông đối phó được với mối đe dọa khi rút khỏi INF, đòi hỏi việc thủ tiêu các tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Việc rút khỏi INF có thể mở đường cho Mỹ bố trí các tên lửa thông thường dễ ẩn nấp, cơ động hơn tại các địa điểm như đảo Guam và Nhật Bản. Khi đó, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong việc cân nhắc một cuộc tấn công thông thường trước tiên nhằm vào các tàu và căn cứ của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bị đẩy vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, buộc Trung Quốc chi nhiều hơn cho hoạt động phòng thủ tên lửa.

Cho đến nay, các quan chức Mỹ dựa vào các năng lực khác để làm đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu chiến hoặc máy bay Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ một hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ của Mỹ cho rằng, đây là cách tốt nhất để ngăn Bắc Kinh sử dụng các lực lượng tên lửa trên bộ khổng lồ của nước này. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách mới nào của Washington hướng dẫn việc triển khai tên lửa ở Châu Á sẽ cần được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, điều mà dường như chưa xảy ra. Những kỳ vọng sai lầm xung quanh việc Mỹ rút khỏi INF cũng có thể gây lo ngại cho vấn đề an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương.

THANH VĂN