Góc khuất blouse trắng (4)

Thứ ba, 09/08/2016 10:42

* Bài 4: Vừa cứu người, vừa... phòng thủ!

(Cadn.com.vn) - Với việc tiếp nhận gần 300 bệnh nhân/ngày đêm, đội ngũ y tế Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng vừa đối mặt với áp lực cứu chữa cho người bệnh qua cơn nguy hiểm lại vừa tự rèn luyện kỹ năng "phòng thủ và thương thuyết".

Những tình huống "rùng mình"

Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, người có 13 năm làm nghề tại Khoa Cấp cứu tâm sự, bác sĩ bị chửi bới, đe dọa, hành hung là chuyện thường ngày. Thậm chí có người trong lúc tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân đã bất ngờ bị dính đòn phải đi... cấp cứu! Trong số hàng trăm ca vào đây mỗi ngày thì nhiều ca thuộc hàng "anh chị", xăm trổ đầy mình, thậm chí khi cởi áo để khâu vết thương còn lòi cả dao ở lưng quần. "Một số trường hợp, họ xích mích, đánh nhau ngoài đường, cả hai bên đều bị thương được đưa vào cấp cứu. Xử lý, khâu vết thương xong họ lại lập tức vùng dậy đánh nhau trong bệnh viện. Bác sĩ vào can ngăn thì họ cũng sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những lúc như vậy, dù nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi cũng phải bằng mọi cách ổn định tình hình, từ từ dìu họ "hạ hỏa". Cương quá thì thiệt cho mình mà sợ quá bỏ chạy thì không hoàn thành nhiệm vụ", bác sĩ Hưng cho biết.

17 năm gắn bó với khoa "nóng" Bệnh viện Đà Nẵng, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Oanh là một trong những người có thâm niên đối mặt với những tình huống nguy hiểm do bệnh nhân hoặc người thân của họ uy hiếp. Chị kể, một số trường hợp sử dụng ma túy quá liều dẫn đến sốc thuốc, khi được chuyển vào thì đã ngừng thở, chỉ chậm một khoảnh khắc nữa là nguy hiểm đến tính mạng. Do có kinh nghiệm trong việc xử lý những ca như thế này, bác sĩ chỉ cần chích một mũi "thuốc xả" là lập tức bệnh nhân tỉnh lại. Theo quy định, sau khi cấp cứu, nhân viên y tế sẽ đề nghị người nhà làm thủ tục nhập viện để theo dõi sức khỏe của họ ổn định tuyệt đối mới được về. Tuy nhiên, trên thực tế, những bệnh nhân thuộc diện này sau khi được giải thuốc thường đứng dậy đi thẳng một mạch ra khỏi viện như chưa có gì xảy ra. Can ngăn bao nhiêu cũng không được, thậm chí còn bị uy hiếp. "Có trường hợp, cương quyết không được, chúng tôi nhỏ nhẹ khuyên họ nên ở lại để theo dõi. Anh ta mặt lạnh tanh vén áo lên chỉ vào con dao ở thắt lưng và hỏi "thấy gì đây không?". Nói xong rồi đi một mạch", chị Oanh kể. Khi được hỏi về những tình huống nguy hiểm từng phải đối mặt, chị vẫn còn rùng mình khi kể lại ca trực nhớ đời. Đó là thời gian chị mang bầu được 7 tháng. Ca trực hôm đó, chị và các đồng nghiệp tiếp nhận một số bệnh nhân thuộc hai nhóm thanh niên đánh nhau thương tích nặng. Sau khi được băng bó, khâu vết thương ổn định, họ lại bật khỏi giường và lao vào ăn thua đủ với nhau. Do hai bên đều cầm hung khí nên hầu hết y, bác sĩ phải chạy lánh nạn. Chị Oanh bầu bì, chạy không kịp nên phải cúi người nấp vào sau bàn làm thủ tục. Chưa hoàn hồn thì nghe tiếng leng keng trên đầu, một người trong nhóm thanh niên nhịp nhịp mã tấu xuống mặt bàn hất hàm hỏi chị: "Giờ muốn răng đây?". "Cái khó ló cái khôn, tui định thần lại nói "Thôi, ai sai ai đúng thì từ từ tính. Giờ vết thương như rứa, phải để tui xử lý cho đã chứ không nguy hiểm lắm. Mấy anh coi tui bầu bì, chạy không được, thương cho tui, thương cả bạn mấy anh nữa, ra ngoài đi để bác sĩ cứu chữa cho họ đã". Nhờ biết cách mềm mỏng nên tui thoát hiểm, mấy người bị thương cũng được xử lý kịp thời", chị Oanh kể.

Tâm lý của người nhà là luôn muốn có mặt đông đúc bên bệnh nhân trong khi điều này lại cản trở quá trình cấp cứu, khám chữa bệnh của bác sĩ. Ảnh: C.K

Khi "ma men" vào viện vì TNGT

Nhiều bệnh nhân bị TNGT được đưa đến bệnh viện trong tình trạng say khướt, miệng chửi bới không ngừng nghỉ, tay chân đấm đá tứ tung. Để đảm bảo an toàn cho việc truyền dịch, tiêm, khâu vết thương, nhiều trường hợp buộc nhân viên y tế phải cố định tay chân họ vào giường. Lúc đó họ bắt đầu chửi bới không tiếc lời, rằng bác sĩ ác, y tá vô tâm, cứu người mà trói người ta lại. Người nhà đến, thấy khung cảnh ấy, chưa hiểu mô tê cũng lập tức sấn tới chửi bới, nhục mạ, bỏ ngoài tai những lời giải thích. Trong lúc bác sĩ phải theo trình tự để cứu chữa có hiệu quả thì họ lại nôn nóng yêu cầu phải thế này, thế nọ. Có người không hiểu thứ tự ưu tiên cấp cứu, lại cứ nghĩ bệnh nhân bị "ngâm" để vòi vĩnh nên cố tình hét lớn để nhiều người nghe, kiểu như: "Cần tiền chứ gì? Giờ mà có tiền là ok hết chứ gì. Đúng là lương y như dì ghẻ!". Thực ra bệnh viện đã làm thủ tục xét nghiệm và đưa bệnh nhân nằm lên giường để chờ kết quả, nhưng do người nhà không hiểu quy trình nên cứ vu lên là bác sĩ tắc trách. Không những thế, một bác sĩ công tác lâu năm tại Khoa Cấp cứu còn kể lại rằng, nhiều khi nhân viên y tế còn bị người nhà bệnh nhân coi như kẻ trộm! Theo thủ tục, đối với các nạn nhân bị TNGT chuyển vào mà không có người nhà đi kèm thì bệnh viện phải tiến hành kiểm kê tài sản, song song với hoạt động này thì bộ phận chuyên môn sẽ đưa ra phương án cứu chữa. Nhưng nhiều người khi được chuyển vào thì trong người không còn bất cứ tài sản gì do bị rơi, bị mất trước đó. Sau khi bệnh nhân được cứu chữa qua cơn nguy hiểm thì người nhà mới đến. Dù thấy người thân của mình đã an toàn nhưng họ vẫn cố tình vặn vẹo là tại sao lại để bệnh nhân nằm một mình ở ngoài? Hay là chưa có tiền thì chưa được cứu chữa? Còn nữa, bác sĩ, y tá làm sao mà bóp tiền, đồng hồ, điện thoại của nạn nhân đi đâu hết?...

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Băng Đình, người có hơn 20 năm gắn bó với nghề cấp cứu, khám bệnh Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự: "Làm nghề cấp cứu, áp lực chuyên môn là lẽ đương nhiên, nhưng bị xúc phạm về nhân cách  khiến chúng tôi buồn lắm. Vì nghề nghiệp, vì người bệnh mình phải bỏ qua. Chúng tôi mong muốn có được sự thấu hiểu của bệnh nhân cũng như người nhà".

Công Khanh
(còn nữa)