Góc khuất ngày 8-3
Nhiều phụ nữ còn chịu thiệt thòi vì nỗi lo cơm gạo. |
Không khí chào đón lễ quốc tế phụ nữ 8-3 những ngày qua diễn ra rộn ràng muôn nẻo với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực. Sắc hoa ngập tràn trên các tuyến phố. Khắp nơi, chị em được đón nhận những món quà, lời chúc thân thương từ chồng, con, bạn bè. Nhưng, đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ, hạnh phúc ấy, đâu đó trong xã hội vẫn còn những "bông hoa" chưa một lần biết đến ngày 8-3.
Nước mắt lăn dài trên gò má, bà Nguyễn Thị Hàng (Q.Hải Châu - Đà Nẵng) trải lòng về cuộc đời mình: Chồng mất sớm, con cũng bị bệnh qua đời. Người thân không còn ai, bà sống cảnh cô độc. Tuổi già sức yếu, cuộc sống của bà giờ đây là những chuỗi ngày dần thu hẹp lại. Mỗi dịp lễ, người ta con cháu đuề huề thăm hỏi, chúc tụng, còn bà chỉ lủi thủi ở Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng. "Mấy chục năm rồi, ngày lễ đối với tôi thật quá xa xỉ. Tôi không cần hoa, không cần quà chi hết, mà chỉ ước mong có một đứa cháu như tụi con thôi"-bà nói với chúng tôi.
Cùng cảnh, bà Đỗ Thị Sáu (80 tuổi, trú Gò Nổi, Quảng Nam) có chồng cùng 5 người con (3 trai, 2 gái) đều mất do chiến tranh. Bà kể: "Khi còn trẻ, cuộc sống nghèo khổ, lo ngày 3 bữa còn khó. Chồng thì tối ngày lo đi làm, đâu ai biết đường tặng quà chi đâu con. Rồi khi ông mất, mấy đứa con cũng bỏ tôi mà đi, coi như tôi mất tất cả". Từ đó, bà sống nhờ vào mấy sào ruộng, kiếm miếng ăn qua ngày. Bà chẳng có ước mong gì lớn ở cái tuổi gần đất xa trời này, chỉ mong sớm đi theo chồng, theo con. Trên gương mặt xanh xao, đôi mắt hằn lên nét cơ cực, chị Nguyễn Thị Hoa (37 tuổi) từng là công nhân cạo điều, làm việc tại Sài Gòn, nhưng chẳng may mắc bệnh rối loạn thần kinh nên nhiều lúc tâm trí không ổn định, lúc nhớ lúc quên lại thỉnh thoảng lên cơn đập phá đồ đạc. Một nách hai con, lại mang bệnh trong người, đôi lúc chị muốn buông xuôi cuộc đời, nhưng nhìn hai đứa trẻ chị phải gắng gượng sống. "Chồng tôi đi làm phụ hồ ở Bình Phước cũng chưa một lần quan tâm đến mẹ con ở nhà. Mỗi khi đến ngày Quốc tế Phụ nữ chỉ làm cho tôi tủi thân hơn. Tôi chỉ ước có một ngày chồng đến đón vợ con về, nhưng chờ hoài trong vô vọng"-chị Hoa nói trong nước mắt.
Không chỉ cuộc sống của những người không nơi nương tựa phải chịu thiệt thòi mỗi khi có ngày lễ đến, nhiều phụ nữ vẫn đang vất vả mưu sinh, cặm cụi làm ăn không quản nắng mưa. Dường như họ chưa từng có khái niệm gì về ngày 8-3. Chị Hạnh (40 tuổi, Q. Liên Chiểu - Đà Nẵng) có chồng đi biển, 3 đứa con đi học xa, bươn chải bán cá. 13 năm nay, không năm nào chị có thời gian để được nghỉ ngơi ngày lễ. Chị ngậm ngùi: "8-3 cũng như bao ngày thường khác thôi em. Hội Phụ nữ địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động, nhưng nghĩ thời gian đó đi làm cũng kiếm thêm chút tiền cho các con ăn học nên chị đành chịu, không tham gia được. Nhìn họ xúng xính quần áo đẹp, chồng chở vợ con đi chơi, tặng hoa tặng quà tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng nghĩ chồng đang lăn lộn ngày đêm kiếm từng con cá nên tôi chỉ ước sao sóng yên biển lặng, để chồng bình an kiếm thêm thu nhập lo các con ăn học đến nơi đến chốn mà thôi".
Còn chị Hồ Thị Lệ, sinh ra ở Huế nhưng sớm vào Đà Nẵng lập nghiệp. Chồng chị không may mất sớm vì tai nạn giao thông, để lại hai con nhỏ. Ba mẹ con sống trong căn nhà chưa đầy 5m2, ngày ngày chị phải đạp xe đạp bán bánh bao có khi đến 3 giờ sáng mới về, nên với chị không có ý niệm gì về ngày Quốc tế phụ nữ. Chúng tôi nhìn theo vòng quay của bánh xe đang lăn tròn trong khói mờ nhạt với tiếng rao "Bánh bao đây!" mà lòng thắt lại. Còn quá nhiều phụ nữ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, cuộc đời như chiếc bánh xe kia cứ xoay tròn mãi, chẳng biết khi nào họ mới có cuộc sống tốt hơn để ngày 8-3 đến được với tất cả chị em phụ nữ.
Mỹ Loan - Bích Vân