(Cadn.com.vn) - Đúng là khủng hoảng kinh tế làm bộc lộ nhiều khó khăn của Đà Nẵng, trong đó, thị trường bất động sản đóng băng khiến nguồn thu của thành phố ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyện này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đề cập tại cuộc họp mới đây và công khai rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng.
Không chỉ chính quyền gặp khó mà doanh nghiệp và người dân cũng chẳng “dễ thở” chút nào, có thể cảm nhận được rõ qua số lượng doanh nghiệp rời bỏ thương trường và những khó khăn len lỏi vào tận bữa cơm, giấc ngủ của người dân thành phố, ngay cả những sinh hoạt đã trở thành quen thuộc giờ cũng hạn chế rất nhiều.
Tiếc rằng, cho đến nay, vẫn chưa thấy có một báo cáo nào phân tích một cách toàn diện những thách thức mà Đà Nẵng đang gặp phải, nhất là đánh giá tác động của nó đối với sự bảo đảm các mục tiêu phát triển của thành phố trong trung, dài hạn. Nhưng việc cảm nhận khó khăn hoặc đề cập nó ở vài khía cạnh thì đã rất rõ và một số cơ quan báo chí đang xoáy sâu vào vấn đề này.
Nhưng Đà Nẵng không chỉ có đất!
Tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố Đà Nẵng là 1.283,42 km2, diện tích này là khá khiêm tốn nếu so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Và trong số này, đất đô thị, ven biển chỉ chiếm một phần mà thôi. Từ thực tế đó, kinh tế Đà Nẵng không thể nào chỉ trông chờ vào đất, dù đây là tài nguyên vô cùng quý giá và việc khai thác nó đã đóng vai trò nhất định trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố những năm qua.
Ở một khía cạnh khác, do quỹ đất của Đà Nẵng không quá dồi dào như đã nói ở trên, sự đóng băng hiện nay của thị trường bất động sản, có khi là điều đáng mừng cho giai đoạn phát triển sau này của thành phố, để thế hệ tương lai có điều kiện thực hiện những ý tưởng mà thế hệ hôm nay chưa thể nghĩ ra, chưa đủ điều kiện thực hiện.
Quay trở lại với khó khăn hiện tại của Đà Nẵng, một số nhận định cho rằng, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế mà chính quyền Đà Nẵng phải đối mặt. Điều này không sai, nhưng nó chỉ là một vế của vấn đề. Ngoài nguồn thu từ đất, Đà Nẵng còn có nguồn thu khác từ hoạt động đầu tư, sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, kiều hối...; và dù gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nguồn thu không đạt, thì đây vẫn là những nhân tố hết sức quan trọng giúp thành phố chống chọi tương đối hiệu quả với khủng hoảng kinh tế, mà thành quả quan trọng nhất là tăng trưởng đạt 9,1% trong năm 2012, cao gần gấp đôi trung bình cả nước (5,03%).
Trên thực tế, Đà Nẵng đã và đang kiên trì từ bỏ sự lệ thuộc nguồn thu từ đất đai. Từ cuối năm 2011, phát biểu tại Hội nghị giao kế hoạch kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách 2012, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chỉ đạo: “Sự trồi sụt thất thường do chịu ảnh hưởng của các yếu tố, tác nhân khác, bất động sản – chủ yếu là đất – không thể là nguồn thu chính của một nền kinh tế phát triển năng động.
Các ngành, các cấp cần thay đổi tư duy, tích cực nghĩ đến những hướng phát triển, các chương trình, dự án mới, mang lại nguồn thu bền vững” (theo website Sở TT&TT Đà Nẵng). Sự thay đổi của tư duy lãnh đạo, điều hành gần 2 năm trước cũng có thể là nguyên nhân lý giải phần nào tình hình thu ngân sách từ đất đai hiện nay. Cần phải nhận thức rõ rằng, chính quyền Đà Nẵng đã lường trước chứ không hoàn toàn bị động.
Ở một khía cạnh khác cũng cần đề cập là, khủng hoảng kinh tế và sự xuống dốc của thị trường bất động sản đã xảy ra từ ít nhất 4 – 5 năm qua chứ không phải mới hôm qua. Trong khoảng thời gian đó, thành phố Đà Nẵng cũng đã “chia tay” rất nhiều nhà đầu tư, thay đổi, đình chỉ nhiều dự án. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là kinh tế - xã hội của thành phố vẫn phát triển tương đối nổi bật, diện mạo có thay đổi, các chương trình an sinh xã hội vẫn được đảm bảo... Tất nhiên, không thể lấy điều này để che khuất những khó khăn cụ thể về nguồn thu ngân sách nhưng nó cũng phần nào cho thấy những nỗ lực to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố những năm qua.
Khủng hoảng kinh tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có những thách thức trực diện với chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Việc nêu ra những khó khăn, thách thức để nhận diện là điều hết sức cần làm; tuy nhiên, không phải vì vậy mà bi quan hoặc dễ dàng từ bỏ những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đó là cách thức để Đà Nẵng tự tin vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục xây dựng thành phố xứng đáng với những danh hiệu đã đạt được và sự tin yêu của cả nước.
Nguyễn Lê
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.