Đã chắt lọc hết chưa?

Thứ năm, 20/06/2013 10:18

(Cadn.com.vn) - Không phải không có lý khi ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, trong phiên thảo luận toàn thể ở hội trường được tường thuật trực tiếp trên sóng quốc gia, đề nghị Quốc hội thông qua Hiến pháp trước, còn Luật Đất đai (sửa đổi) để lại bàn thảo rồi thông qua sau.

Đất đai không chỉ là tài sản quý giá, là tư liệu sản xuất chủ yếu, mà còn có tính lịch sử, gắn liền với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đất đai cũng chính là một trong những mục tiêu chính trị của cách mạng Việt Nam thuở ban đầu, với khẩu hiệu bất hủ: “Người cày có ruộng”. Đọc lại những dòng trong Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam tháng 11-1953 về vấn đề ruộng đất, càng thấy rõ những nhận định sâu sắc của Đảng về đất đai:

“Trong nhân dân ta, nông dân chiếm gần 90%. Đối với kháng chiến, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất. Nhưng nông dân phần nhiều lại không có, hoặc có rất ít ruộng đất. Nông dân làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không được no cơm, ấm áo. Tình hình ấy rất không hợp lý, không công bằng. Vì vậy, nông dân yêu cầu được ruộng đất là một  điều rất chính đáng, rất hợp với lợi ích giải phóng dân tộc. Chỉ có thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, làm  cho hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến mới hoàn toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công”.

Ngày nay đất nước đã sạch bóng xâm lăng, non sông thu về một mối, Đảng tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới, giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên hội nhập – phát triển. Hoàn cảnh, lực lượng thay đổi thì tất yếu mục tiêu cách mạng cũng thay đổi cho phù hợp. Tuy vậy, ý nghĩa của câu khẩu hiệu “người cày có ruộng” vẫn chưa quá lạc hậu, khi mà đến nay, sở hữu, quản lý, khai thác, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế... đất đai vẫn còn đặt ra hàng loạt vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp thiết. Đất đai vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân cả trong chính sách lẫn thực tế cuộc sống hằng ngày.

 

Chỉ riêng việc đóng góp gần 7 triệu ý kiến trong vòng 2 tháng cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của toàn dân đối với vấn đề đất đai. Nhưng từ đây lại đặt ra một số vấn đề: Liệu 7 triệu ý kiến đó đã là con số ý kiến cuối cùng hay chưa; liệu người dân ở khu vực nông thôn rộng lớn đã tham gia góp ý đầy đủ hay chưa; và, liệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực sự lắng nghe, chắt lọc hết gần 7 triệu ý kiến của cử tri trong một thời gian ngắn (khoảng 2 tháng) để sửa đổi, bổ sung cho bản dự thảo hay chưa?

Thực tiễn cho thấy, tính khả thi của mọi văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với những văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, liên quan trực tiếp đến những vấn đề cốt lõi của chế độ và nhân dân, một phần được quyết định bởi sự công phu, khách quan trong quá trình xây dựng. Đến khi nào, văn bản quy phạm pháp luật ấy thực sự kết tinh trí tuệ, ý chí của nhân dân thì khi ấy nó mới thực sự chín muồi để ban hành áp dụng và bảo đảm tồn tại lâu dài. Ngay trong Luật đất đai hiện hành, đến nay mới tồn tại được 10 năm  (2003 – 2013) đã phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt nội dung cũng cho những gợi ý xác đáng về xây dựng luật.

Đất đai là tài nguyên vô giá nhưng có hạn. Mỗi hành động hôm nay đụng chạm tới nó đều có thể để lại hệ quả kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí hàng nhiều thập kỷ sau, ảnh hưởng không chỉ thế hệ hôm nay mà còn cả thế hệ tương lai. Bởi lẽ đó, sẽ không bao giờ thừa, nếu suy xét, cân nhắc kỹ càng mọi lý lẽ; dù làm thế có thể tốn thêm thời gian, công sức đi chăng nữa thì chắc chắn cái lợi để lại cho mai sau cũng hoàn toàn bù đắp được.

Nguyễn Lê