Cần sự tin cậy bền vững

Thứ tư, 14/08/2013 23:05

(Cadn.com.vn) - Gần đây rộ lên thông tin tìm thấy các chất Tinopal CBS-X và Acid Oxalic trong bún, bánh phở... ở một số địa phương.

Tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 6 mẫu bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, Acid Oxalic là hóa chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Ngoài ra, Tinopal còn được phát hiện tại một số cơ sở sản xuất bún ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.

Tinopal được dùng trong sản xuất bột giấy và xà phòng. Dùng chất này sẽ gây hư thận, suy gan, dùng lâu sẽ gây ung thư. Còn Acid oxalic gây sỏi thận, kích thích làm phát cơn hen suyễn và cũng gây ung thư. Mục đích dùng các loại hóa chất này đã quá rõ: giúp bún tươi lâu, chống ôi thiu và làm cho sợi bún trắng, dễ bán hơn, dễ kiếm lời hơn... Những thông tin này làm rúng động dư luận bởi bún tươi là món ăn rất phổ biến ở hầu hết các địa phương. Điều này cũng làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bún tươi giảm sút nghiêm trọng.

Ở Đà Nẵng thì sao? Lãnh đạo ngành Y tế TP vừa cho hay: kết quả xét nghiệm 84 mẫu bún, bánh canh, bánh phở tươi được lấy mẫu ngẫu nhiên cho thấy 100% mẫu đều có kết quả âm tính với các hóa chất, phụ gia. Xét nghiệm các chỉ tiêu gồm: Sulfit (chất tẩy trắng), hàn the và Formol (chất bảo quản) đều âm tính với các hóa chất, đặc biệt trong số 6 mẫu lấy ngẫu nhiên xét nghiệm các chỉ tiêu gồm: Tinopal CBS-X, Acid oxalic và Natri benzoate (chất bảo quản) cũng đều âm tính với các hóa chất. Với kết quả xét nghiệm này, người tiêu dùng Đà Nẵng cũng như du khách đến Đà Nẵng thở phào nhẹ nhõm...

Dù vậy, vẫn chưa thể đảm bảo hoàn toàn yên tâm khi sử dụng bún tươi ở Đà Nẵng bởi lẽ TP hiện có đến 277 cơ sở sản xuất bún và các loại thực phẩm cùng nhóm, trong đó nhiều cơ sở sản xuất bún tươi chưa được lấy mẫu để xét nghiệm. Người tiêu dùng luôn mong mỏi và đòi hỏi ngành Y tế phải ra tay quyết liệt hơn nữa trong điều tra và xử lý các vi phạm về ATVSTP. Đồng thời, phải phòng tránh tuyệt đối kiểu xét nghiệm qua loa chiếu lệ, thậm chí có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng như trường hợp “nhân bản” hơn 1.000 mẫu máu xét nghiệm ở BV Hoài Đức (Hà Nội) mà cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Nói cách khác, cơ quan chức năng phải bảo đảm tạo ra một sự tin cậy bền vững chứ không chỉ là kết quả (dù có vẻ khả quan) của một đợt kiểm tra.

Vấn đề cần quan tâm nữa là công tác lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo ATVSTP phải được làm thường xuyên, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.  Từng xảy ra trường hợp có cơ sở sản xuất sau khi được lấy mẫu xét nghiệm “âm tính” đã vội vã “xé rào” để tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên khi kiểm tra phải có cách làm phù hợp để không gây khó khăn hoặc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của người dân.

Với các cơ sở sản xuất, ai cũng hiểu và thấm thía câu chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”, vài cơ sở vi phạm ATVSTP thì hầu như tất cả phải gánh chịu hệ lụy khi người tiêu dùng tẩy chay mặt hàng đó. Bởi vậy, hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính, đúng pháp luật là cách làm ăn bền vững, cần được xem như một nguyên tắc bất di bất dịch để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Nguyễn Đức Nam