Đặc xá, đôi điều suy ngẫm

Thứ bảy, 03/08/2013 09:28

(Cadn.com.vn) - Các cấp thẩm quyền đang khẩn trương bình xét trình Chủ tịch nước danh sách 10.000 người được đặc xá trong dịp chào mừng Lễ Quốc khánh năm nay. Đây chính là việc làm thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kế thừa truyền thống ứng nhân xử thế cao thượng của dân tộc Việt Nam.

Dẫu vậy, để chính sách ấy đi đến toàn vẹn, không phải không còn chuyện để bàn.

Việc đặc xá trong nhiều năm qua đã được cả cộng đồng xã hội Việt Nam thừa nhận và ngay dư luận quốc tế cũng nhận thấy rất rõ, nhất là các cơ quan tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước và những ai quan tâm đến lĩnh vực hoạt động nhân quyền của Nhà nước ta (trừ số ít vì nhiều lý do khác nhau mà còn mang nặng hận thù dân tộc, vẫn cố tình bóp méo sự thật hoặc rắp tâm chống phá cách mạng nước ta vì mưu đồ chính trị đen tối), đại đa số những phạm nhân được đặc xá giảm hạn tù hoặc hoàn lương trở về đoàn tụ gia đình trong những lần đặc xá trước, đã thể hiện quyết tâm sớm hòa nhập cộng đồng, và không ít người đã trở thành gương tốt về việc sửa đổi lầm lỗi trước đó bằng những việc làm đầy tính hướng thiện, được cộng đồng hoan nghênh, cổ súy. Kết quả ấy cũng nói lên sự cố gắng không mệt mỏi trong việc quản lý, giáo dục, hướng nghiệp, hết lòng hết sức giúp cho phạm nhân cải tạo tốt của các ban giám thị tại các trại giam.

Tuy nhiên, trên thực tế như chúng ta thấy, nhiều vụ án xảy ra gần đây mà cơ quan chức năng điều tra, công bố, thì còn khá nhiều người gây ra vụ án lại là các phạm nhân mới được ra tù, hoặc là người đã từng có nhiều tiền án, tiền sự. Điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi là, phải chăng việc đặc xá, tha tù của ta lâu nay là “có vấn đề” như “chạy án”, “chạy đặc xá”... hoặc chí ít cũng là việc xem xét từng trường hợp cụ thể để giảm án, tha tù còn chủ quan đơn giản, thiếu chặt chẽ, đến nỗi có nhiều trường hợp vừa mới ra tù đã tiếp tục gây án và thể hiện sự manh động hơn, liều lĩnh hơn với những “ngón nghề” mà trước đó họ chưa từng có (!?), phải chăng đó là sự “học hỏi” tích lũy kinh nghiệm từ bạn tù trong thời gian bị giam (hoặc tạm giam) ?, câu trả lời cho vấn đề này dường như còn bỏ ngỏ!

Trong dịp chào mừng Lễ Quốc khánh (2-9-2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 1251/2013/QĐ-CTN ngày 20-7-2013 về đặc xá năm 2013. Theo Quyết định trên thì lần này sẽ tha tù trước thời hạn cho hơn 10.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Để triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, tại một Hội nghị trực tuyến gần đây do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Đặc xá T.Ư chỉ đạo: Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện công tác đặc xá năm nay, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đúng người, đúng tiêu chuẩn và đúng quy định của pháp luật...

Với hơn 10.000 phạm nhân được đặc xá, tương đương số lượng nhân khẩu của một xã, việc tạo cho những người nằm trong diện được đặc xá lần này có cơ hội hòa nhập cộng đồng, để họ thể hiện thật sự đã được cải tạo tốt, đã thấy được lỗi lầm và ra sức lập công chuộc lỗi, quyết tâm “làm lại cuộc đời” nhằm góp sức cùng với nhân dân nơi cư trú tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, là một việc làm có ý nghĩa sâu xa cả về đạo lý mang tính nhân văn và về công cuộc phát triển chung của xã hội chúng ta.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng tham mưu chung quanh Hội đồng Tư vấn Đặc xá T.Ư, mà nòng cốt là cơ quan công an sớm vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để tổ chức thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong dịp Lễ Quốc khánh năm nay đạt kết quả tốt nhất, thực sự tìm được, trả về và gieo vào cuộc sống 10.000 hạt giống tốt của niềm tin, hy vọng.

Mai Mộng Tưởng