"Người biết yêu người"

Thứ ba, 16/07/2013 23:53

(Cadn.com.vn) - Cách đây hơn một tháng, Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tổ chức Lễ tôn vinh 100 người HMTN tiêu biểu Việt Nam năm 2013. Không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, mỗi giây phút trôi qua, những giọt máu hồng vẫn thầm lặng sớt chia từ người này sang người khác để nhen nhóm hy vọng sống cho người bị hoạn nạn, bệnh tật hiểm nghèo.

Có những con số thống kê mang đến cho chúng ta cảm xúc thật khó tả. Mỗi năm toàn thế giới thu được khoảng 100 triệu đơn vị máu, tuy nhiên vẫn còn thiếu gần 30% so với nhu cầu điều trị. Năm 2012, nước ta vận động và tiếp nhận 912.310 đơn vị máu, tương đương với 1% dân số hiến máu, dù vậy cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị. Điều đó đồng nghĩa với việc còn đến 50% số người cần truyền máu ở nước ta phải đối mặt với cái chết vì thiếu máu!

HMTN đã trở thành phong trào lớn song vẫn gặp không ít khó khăn. Không phải bất cứ ai cũng hiểu hiến máu là không có hại cho sức khỏe. Tâm lý của người tham gia HMTN cũng diễn biến qua nhiều giai đoạn như: thờ ơ, nghi vấn, tự lựa chọn rồi mới sẵn sàng HMTN. Nói vậy để thấy rằng, dù kết quả HMTN ở nước ta còn khiêm tốn, song đáng khích lệ là hoạt động này từng bước nhận được sự hưởng ứng đông đảo của mọi tầng lớp trong xã hội. Nếu như trước năm 1992, hoạt động HMTN hầu như chưa được biết đến thì năm 2002 lượng máu thu gom trên toàn quốc đã đạt 298.000 đơn vị và 10 năm sau, lượng máu thu gom đã gấp hơn 3 lần. Đã xuất hiện những tấm gương thực sự tiêu biểu với 100 lần HMTN, nhiều địa phương xuất hiện những gia đình, dòng họ HMTN hàng trăm lần. Có những bác sĩ quyết định hiến máu ngay cả khi đang mổ cấp cứu bệnh nhân, có những người không ngại đường xa, điều kiện thời tiết khó khăn, bất cứ lúc nào cũng hiến máu đột xuất cứu người...

Đối với lực lượng Công an cả nước nói chung và Công an TP Đà Nẵng nói riêng, hoạt động HMTN được duy trì thường xuyên. Trong số đó, ấn tượng nhất là anh Phạm Đắc Thắm, cán bộ Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng với 15 lần tham gia HMTN. Trong lần đưa phạm nhân đến chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh Thắm biết có vợ chồng nghèo ở Quảng Ngãi loay hoay tìm máu để truyền cho đứa con gái 5 tuổi bị bệnh hiểm nghèo. Dù không cùng nhóm máu, nhưng Thắm vẫn tình nguyện hiến ngay 2 bịch máu đổi lấy nhóm máu phù hợp truyền để cứu cháu bé. Nghĩa cử này đã tiếp sức, thôi thúc Thắm tiếp tục hiến máu cứu người. Một lần khác đưa phạm nhân về tuyến trên chữa bệnh, phạm nhân này cần truyền máu để mổ, anh Thắm không ngần ngại tiếp máu để cứu sống người ấy... Hoạt động HMTN mang đầy ý nghĩa nhân văn cao cả của anh Phạm Đắc Thắm và CBCS, đoàn viên thanh niên lực lượng CAND cùng nhiều hoạt động cộng đồng khác tự thân đã thể hiện rõ ràng nhất mục tiêu của ngành Công an “Vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân” mà không cần phải tô vẽ gì thêm.

Nhiều người tự hỏi: Với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, con người có thể sáng tạo công trình khoa học kỳ vĩ trên mọi lĩnh vực, có thể chế tạo hàng loạt máy móc hiện đại tiếp cận sao Hỏa, sao Kim, có thể cho ra đời dụng cụ y học thay thế một số bộ phận trong cơ thể người, thế nhưng vì sao cho đến bây giờ vẫn không thể tìm được hợp chất gì để thay thế những giọt máu hồng?

Phải chăng đây chính là bài toán cực kỳ gai góc nhưng ẩn chứa một đáp số có hậu? Giọt máu hồng có lúc mang hình trái tim, có khi mang hình giọt nước mắt, luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng và mang giá trị nhân văn cao cả. Đó là sợi dây ân tình sâu nặng, bền chặt  giữa người với người, là món quà vô giá của cuộc sống riêng tặng để “người biết yêu người”!

Nguyễn Đức Nam