Xin tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rõ

Thứ năm, 29/08/2013 23:44

(Cadn.com.vn) - Báo Tuổi trẻ TPHCM ngày 28-8 dẫn lời tiến sĩ (TS) Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Đà Nẵng trả giá cho phát triển thiếu bền vững.

Đây là mệnh đề rất đáng lo ngại, bởi lẽ, “trả giá” là điều không hề nhỏ đối với một địa phương có gần 1 triệu người. Hơn nữa, trong bài trả lời phỏng vấn, TS Lê Đăng Doanh đưa là một số nhận định cần phải được làm rõ.

Trả lời câu hỏi, phải chăng mô hình phát triển của Đà Nẵng “có vấn đề”?, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Đà Nẵng đang giảm sút mạnh so với chính mình trước đây và khó khăn hơn nhiều địa phương khác do nguồn thu từ đất đai giảm. Các dự án đầu tư dựa trên tính toán giá đất cao, giờ thiếu nguồn tài chính. Đó là hệ quả phát triển quá nóng, dựa quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai và bất động sản”. TS Lê Đăng Doanh nhận định Đà Nẵng phát triển “quá nóng”, tiếc là không có số liệu chứng minh nên có phần gây khó dễ cho người muốn tìm hiểu nội hàm thực sự của nhận định này, từ đó có thể xác định nó đã đúng hay chưa. Chúng tôi cho rằng, nếu TS Lê Đăng Doanh nói thị trường bất động sản Đà Nẵng (cũng như nhiều địa phương khác) phát triển quá nóng thì có lẽ phù hợp hơn là quy chụp cả nền kinh tế phát triển nóng.

Tiếp đến, TS Lê Đăng Doanh nói: “Mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau, nhưng so với Đà Nẵng, Bình Dương phát triển cân bằng hơn rất nhiều... Quả đúng như TS Lê Đăng Doanh đã nói, mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau. Bởi vậy, khi so sánh các địa phương với nhau càng cần phải hết sức cân nhắc, việc so sánh giữa Đà Nẵng với Bình Dương cũng vậy, vì mục tiêu phát triển của hai địa phương này không những rất khác nhau mà có những điểm dường như là đối lập, xuất phát từ vị trí của nó trên bản đồ kinh tế. Bình Dương là đô thị vệ tinh của TPHCM, có một thị trường khổng lồ; ngược lại, Đà Nẵng nằm ở giữa miền Trung – Tây Nguyên, thị trường manh mún, đường sá vừa dài vừa hiểm trở. Hơn nữa, ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Dương là công nghiệp, trong khi đó, Đà Nẵng lại xác định ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, dịch vụ...

Tại một câu trả lời khác, TS Lê Đăng Doanh lặp lại nhận định Đà Nẵng đã phát triển quá nóng, đồng thời đặt vấn đề: Những cây cầu làm được là rất tốt, nhưng liệu các cây cầu đó đã phát huy hết hiệu quả chưa? Việc Đà Nẵng làm đường, xây cầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu trước mắt mà còn cho những kế hoạch có tầm nhìn hàng chục năm sau. Bởi lẽ đó, TS Lê Đăng Doanh cũng cần có phân tích chi tiết hơn để chỉ ra “sai lầm” của Đà Nẵng trong việc đầu tư cho việc xây cầu.

TS Lê Đăng Doanh đề cập: Bây giờ hỏi những thương hiệu tư nhân liệu Đà Nẵng có những thương hiệu gì tiêu biểu, sản phẩm gì mới? Ngoài Festival pháo hoa, cuộc thi Robocon rất tốt thì còn gì nữa? Rồi đầu tư của Đà Nẵng có thật sự hiệu quả chưa? Thực ra, những vấn đề này không quá mới và cũng là niềm trăn trở của chính quyền Đà Nẵng từ nhiều năm qua. Nhưng ở góc độ khác, có một thương hiệu mà rất lớn mà hầu như ai cũng biết, đó chính là “thương hiệu Đà Nẵng”. Và nó đang trở thành “sản phẩm” đem đến cho thành phố hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ việc thu hút khách du lịch.

Cuối cùng, TS Lê Đăng Doanh đề cập: “Tôi không nghĩ Đà Nẵng bế tắc, mà đang trong thời điểm trả giá cho giai đoạn phát triển quá nóng”. Bên cạnh những vấn đề nêu trên, dư luận đang rất quan tâm đến mệnh đề “trả giá” mà TS Lê Đăng Doanh nêu ra. Bởi lẽ, nếu có trả giá ắt phải có sai lầm hết sức nghiêm trọng; liệu có phải Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng thực sự có sai lầm như vậy hay không?

TS Lê Đăng Doanh là một học giả uy tín, tiếng nói của ông rất được dư luận quan tâm theo dõi. Bởi vậy, với tất cả lòng kính trọng, chúng tôi đề nghị ông làm rõ những nhận định của mình, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu hiểu biết chính đáng trước hết là của người dân TP Đà Nẵng, thực sự trở thành những góp ý có giá trị, chứ không chỉ là những nhận định khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Nguyễn Lê