Gom gần 3.000 sổ xanh bằng “dự án trồng rừng”

Thứ bảy, 02/11/2013 10:25

* Cục Lâm nghiệp đã có công văn cảnh báo về tình trạng này

(Cadn.com.vn) - Qua tin báo do nhân dân cung cấp, chiều 28-10, CATP Hà Tĩnh kiểm tra khách sạn Phú Quý (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), phát hiện một phụ nữ đang giữ 2.918 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà cơ quan cấp thuộc các tỉnh Nghệ An, Đắc Lắc, Sơn La... Người nắm giữ sổ đỏ này là Nguyễn Thị Minh (1978, quê xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, hiện cư trú xã Tân Đức, H. Hàm Tân, Bình Thuận). Điều đáng nói, cách đây hơn 1 năm, tại CATP Hà Tĩnh, cũng chính bà Minh đã đến trụ sở giao nộp hơn 500 GCNQSDĐ và một số giấy tờ liên quan đến dự án trồng rừng. Vậy bằng cách nào mà Minh có trong tay nhiều sổ xanh đến vậy?

NỘP HƠN 500, GOM GẦN 3.000

Theo cơ quan CA, ngày 10-4, bà Nguyễn Thị Minh đã đến CATP Hà Tĩnh giao nộp 523 GCNQSDĐ, 82 sổ giao khoán bảo vệ rừng, 7 sổ lâm bạ và 1 hợp đồng bảo vệ rừng. Bà Minh cho biết, trong 2 năm 2008 và 2009, một số DNTN đã đứng ra tổ chức thu gom GCNQSDĐ và đất lâm nghiệp (sổ xanh) để thực hiện một dự án trồng rừng do nguồn tài trợ của tổ chức phi chính phủ. Được tin có nguồn lợi lớn, hàng nghìn người dân ở các huyện miền núi hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã giao nộp sổ để được tham gia dự án. Một trong những DNTN tổ chức thu gom sổ xanh nhiều nhất trên địa bàn Nghệ An là Cty CP Đầu tư lâm nghiệp Quý Nhân, có văn phòng tại đường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An do ông Nguyễn Viết Quý (trú xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An) làm giám đốc. Hàng trăm sổ xanh đó, bà Minh có được là từ ông Quý.

Lúc đó, bà Minh kể, thấy sự việc không minh bạch, bà đã đem giao nộp cơ quan CA. CATP Hà Tĩnh đã nhanh chóng xác minh, kiểm đếm toàn bộ số lượng giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng đất nói trên là của hơn 520 hộ dân có đất lâm nghiệp chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) và H. Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau đó, chính bà Minh đã đưa danh sách đến một số địa phương thông báo cho các gia đình có sổ  liên hệ với CATP Hà Tĩnh để nhận lại. Tại thời điểm đó, theo thông tin do bà cung cấp, ngoài số sổ nói trên, vẫn còn hàng nghìn sổ của người dân chủ yếu ở Nghệ An bị thu gom đang nằm ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Minh.

Trong khi vụ hơn 500 sổ xanh chưa xử lý xong thì bất ngờ cơ quan CATP Hà Tĩnh lại phát hiện chính bà Nguyễn Thị Minh đang giữ tới 2.918 sổ tại khách sạn Phú Quý (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh). Tuy nhiên, vụ việc mới đây lại khác hơn so với những gì bà Minh đã khai báo với CATP Hà Tĩnh năm 2012.

Gần 3.000 sổ xanh được thu giữ phân loại tại CATP Hà Tĩnh.

Quá trình điều tra, CA đã tiếp xúc với một bị hại là ông Ngô Trí Hiền (ngụ xã Quang Thành, H. Yên Thành). Theo ông Hiền, khoảng năm 2009, DNTN Mai Sáu và Cty CP Lam Sơn đã về địa phương vận động người dân nộp sổ xanh để tham gia dự án trồng rừng. Các DN này hứa, mỗi héc-ta đất sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng, các hộ phải trích phí cho người chạy dự án là 3%. Nhưng, giao sổ xong, người dân chờ mãi vẫn không thấy có dự án nào triển khai nên mới biết bị lừa. Sau đó, họ kéo nhau ra Hà Nội để đòi lại sổ, nhưng không tìm được các DN này. Họ đành quay về liên lạc với bà Nguyễn Thị Minh và được bà này hẹn vào khách sạn Phú Quý ở TP Hà Tĩnh trả lại.

Ông Hiền cho biết, nhiều lần ông và các nạn nhân đã đưa cho bà Minh mỗi người 2 triệu đồng để nhận lại sổ, nhưng bà này bảo số tiền đó chỉ tương đương với tiền đặt cọc. Bà Minh yêu cầu chủ của mỗi cuốn sổ phải đưa đủ 30 triệu đồng thì mới trả lại sổ. Đến lúc những người dân này đưa đủ tiền vào Hà Tĩnh để “chuộc” sổ xanh thì xảy ra cãi nhau nên bà Minh đã từ chối, không giao nữa.

Lực lượng CA kiểm tra các sổ xanh tạm giữ của bà Minh.

CẦN SỚM ĐIỀU TRA VÀ CẢNH BÁO NGƯỜI DÂN

Vì sao Nguyễn Thị Minh lại có trong tay hàng nghìn sổ xanh? Ai là người đứng ra thu gom? Các dự án đó đã đi đâu, về đâu? Liệu người dân đã được hưởng lợi hay là “tiền mất tật mang”? Dư luận đang mong chờ sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Trưởng CATP Hà Tĩnh cho biết: cơ quan CA đã lập biên bản và thu hồi toàn bộ số sổ nói trên, tuy nhiên, chúng không thuộc cá nhân trên địa bàn TP Hà Tĩnh nên Cơ quan CSĐT sẽ tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra làm rõ.

Được biết, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ lừa đảo kinh tế liên quan đến các dự án trồng rừng. Để nâng cao cảnh giác cho người dân, Cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 395/LN-VP gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố đề nghị phòng ngừa hiện tượng này. Công văn nêu rõ: “Hiện có một số Cty đã và đang tiếp cận với các DNTN, DNNN các địa phương để vận động ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết lập dự án đầu tư trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay rất lớn có nguồn gốc từ tổ chức phi chính phủ... Bộ NN&PTNT không quản lý và điều hành loại dự án như vậy. Hoạt động của các Cty như đã nêu trên có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế”.

Theo chúng tôi, song song với việc cảnh báo người dân, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ các cá nhân, tổ chức đã có dấu hiệu lừa đảo, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.

Xuân Lý - C.K