Gồng mình chống nắng hạn (Bài 5: Nghịch lý khiến hạn chồng hạn)
Cùng với biến đổi khí hậu, chính tác động của con người đã khiến hạn chồng hạn. Tại Tây Nguyên, nhiều nghịch lý, bất cập đã dần lộ rõ khi hạn hán tại khu vực này càng ngày càng khốc liệt hơn, thiệt hại lại càng nặng nề hơn.
Thủy điện Thượng Kon Tum chuyển dòng khiến diện tích cây trồng của người dân vùng hạ lưu chết khô. |
Những "công trình sai lầm thế kỷ"
Lưu vực sông Ba, dòng sông lớn nhất Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vì khô hạn. Trên lưu vực này, Thủy điện An Khê - Ka Nak chịu ảnh hưởng lớn nhất vì thiếu hụt nguồn nước. Dung tích hồ thủy điện Ka Nak hiện chỉ đạt khoảng 40 triệu m3, tức chỉ hơn 11% theo thiết kế. Công trình với sức chứa trên 300 triệu m3 nước này được gọi là "công trình sai lầm thế kỷ", bởi những hệ lụy mà nó đã gây ra cho hàng vạn hộ dân lưu vực sông Ba. Hơn 10 năm kể từ khi công trình này chặn dòng sang H. Tây Sơn (Bình Định) để phát điện và đưa nước về sông Kôn thì cũng chừng đó thời gian người dân tỉnh Gia Lai khốn khổ vì nước sông Ba cạn kiệt mùa khô hạn.
Mới đây, ngay cao điểm mùa khô này, tại tỉnh Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum tiến hành chặn dòng, tích nước ở hồ chứa trên thượng nguồn sông Đăk Snghé để phục vụ nghiệm thu cụm đầu mối đã gây bất bình cho người dân vùng hạ lưu. Cũng như "công trình sai lầm thế kỷ" tại Gia Lai, công trình này tích nước, chuyển dòng từ sông Đăk Snghé (Kon Tum) sang sông Đăk Lô (Quảng Ngãi). Một dòng "sông chết" kéo dài hàng chục cây số đã được tạo nên bởi một công trình chứa nước khổng lồ.
2 công trình thủy điện trên đều thuộc dạng lớn của Tây Nguyên và cũng là 2 thủy điện "đánh cắp nguồn nước" mà theo khái niệm mới được các nhà khoa học đưa ra. Kèm theo đó là những khuyến cáo của các nhà khoa học về hệ lụy của việc xây dựng thủy điện ồ ạt và chuyển nước từ dòng sông này sang dòng sông khác.
Nguồn nước và sự phát triển bền vững của Tây nguyên đang bị đe dọa bởi chính những sai lầm khó mà khắc phục. Với việc xây dựng các bậc thang thủy điện nên vào mùa khô, cả bốn con sông lớn khu vực Tây Nguyên, gồm: Sê San, Sêrêpôk, Đồng Nai và sông Ba được nhận định đã không còn là sông mà trở thành hệ sinh thái hồ. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cảnh báo: "Ngoài việc chuyển dòng của 2 dòng sông trên thì tại Đăk Lăk, không chuyển nước lưu vực nhưng chuyển nước ra khỏi dòng sông, từ Sêrêpôk 4 xuống Sêrêpôk 4A. Sông Đồng Nai cũng chuyển nước, đó là chuyển nước của thủy điện Đa Nhim. Vận hành thủy điện mà không xả nước lại cho dòng chảy cũ tức là lấy cắp nước của cuộc sống đang bình thường của một khu vực để cho một khu vực khác. Điều đó rõ ràng rất tác hại. Tôi xin nhấn mạnh, tất cả dự án chuyển nước phải vô cùng thận trọng và phải tránh".
Hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn Tây Nguyên và thiệt hại thường trực khi Tây Nguyên vào mùa khô. |
"Gậy ông đập lưng ông"
Câu chuyện biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học liên tục cảnh báo nhiều năm qua khi tình trạng mất rừng ngày càng mạnh ở khu vực Tây Nguyên, điều đó gia tăng mức độ thiệt hại bởi hạn hán ở khu vực này. Vì nguồn lợi trước mắt, nhiều đối tượng đã tàn phá rừng mà không hề quan tâm đến hậu quả. Theo thống kê của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, trong giai đoạn 1992-2015, Tây Nguyên mất 1 triệu ha rừng. Riêng giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất đến 92.000 ha rừng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Dũng - Phó Viện trưởng Viện Điều tra và quy hoạch rừng nhận định: "Đối với vùng Tây Nguyên, chúng ta thấy rằng, diện tích rừng suy giảm cả diện tích lẫn chất lượng, trữ lượng, số lượng. Chúng ta có thể loại trừ biến đổi khí hậu toàn cầu là biến đổi theo quy luật. Thế nhưng, biến đổi khí hậu cục bộ của Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân chính vẫn là mất rừng. Điều đó dẫn đến hạn hán khốc liệt như thời gian qua".
Một diện tích cà-phê khô héo là hậu quả của việc phát triển ồ ạt, không chủ động được nguồn nước và khô hạn kéo dài vào mùa khô. |
Thực tế việc mất rừng đã khiến các công trình thủy điện "sống dở chết dở". Cụ thể như tại công trình hồ chứa thủy điện Ka Nak (H. Kbang, Gia Lai) khi nguồn nước xuống đến mực nước chết trong nhiều tháng qua. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah - hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông Sêrêpôk cũng đã có thời điểm xuống mực nước chết. Còn với hàng trăm hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa, tình trạng khô hạn, trơ đáy hầu như đều diễn ra vào mỗi mùa khô trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT thì năng lực của gần 2.400 hồ thủy lợi trên toàn khu vực Tây Nguyên chỉ mới đáp ứng được 15% trong tổng số hơn 2 triệu ha đất nông nghiệp toàn vùng. Điều đó, chỉ có gần 300.000 ha được xem là chủ động nguồn nước tưới, còn khoảng 1,7 triệu ha tương ứng với cuộc sống của hàng triệu hộ dân sản xuất nông nghiệp bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô. Chưa kể, những diện tích có thủy lợi nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ hạn hán khi còn nhiều bất cập cũng như hạ tầng xuống cấp trầm trọng khiến năng lực tưới rất thấp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, một số khu vực có nguy cơ sa mạc hóa. Điều nguy hại hơn, hơn 1 triệu ha rừng mất đi, thay thế là một lượng lớn diện tích cây công nghiệp khiến "gánh nặng" nguồn nước ngày càng lớn. Nỗi lo ngày càng hiện hữu, bởi sau cơn đại hạn năm 2016 đến nay, hầu như năm nào Tây Nguyên cũng đối mặt với hạn hán và mỗi năm một khốc liệt hơn.
MINH TÂN
>> Gồng mình chống nắng hạn Bài 4: “Ngàn lẻ một” nỗi lo mùa hạn hán
>> Gồng mình chống nắng hạn (Bài 3: Thủy điện "khát" nước)
>> Gồng mình chống nắng hạn (Bài 2: Thiếu nước từ miền núi đến hải đảo)