Gồng mình chống nắng hạn (Bài cuối: Chủ động ứng phó)
Nhằm chủ động ứng phó với nắng hạn, các ngành chức năng tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã ban hành nhiều công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống cháy rừng, thiếu nước và nhiễm mặn.
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng trong thời điểm tiết trời khô hanh. |
Chuyển đổi cây trồng để giảm áp lực nguồn nước
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, nắng nóng gay gắt diễn ra liên tục trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. "Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo sạ khoảng 42.000ha lúa. Nếu tình hình thời tiết cực đoan tiếp tục kéo dài, không có mưa bổ sung trong thời gian đến thì khả năng nhiều địa phương sẽ rất khó khăn về nguồn nước. Đáng chú ý, 17 hồ chứa có quy mô vừa và lớn thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam hiện nay tổng dung tích chỉ đạt 71% so với dung tích thiết kế. Trong khi đó, gần cuối vụ đông xuân vừa qua, một số hồ trong tổng số 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý, mực nước đã xuống rất thấp, như: Hồ Hóc Két phải dùng máy bơm dã chiến để hút nước; hồ Hố Cái, Hóc Hương mực nước cách đáy cống gần 2 mét; hồ Hóc Thầy cách đáy cống 1,2 mét và các hồ Bà Sơn, Hố Trầu, Hố Mây, Suối Tiên, Vũng Tôm... mực nước cũng rất thấp. Không chỉ vậy, nắng nóng hoành hành kết hợp với thủy triều dâng cũng làm gia tăng nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch, Bà Rén... với nồng độ khá cao"- ông Tý thông tin.
Để giải "bài toán" trên, ngay từ tháng 1-2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn. Hiện nay, các giải pháp phi công trình đang được thực hiện, bao gồm sử dụng những giống lúa ngắn và trung ngày có sức chịu hạn tốt; phối hợp với các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với khả năng nguồn nước còn lại của các hồ. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa tính toán, xây dựng bài bản kế hoạch cấp nước tưới phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.
Đối với những hồ chứa thủy lợi có nguy cơ cao thiếu hụt nguồn nước, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các cấp đã và đang tập trung khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để giảm nhu cầu sử dụng nước. "Cùng với đó, chúng tôi cũng đã triển khai giải pháp công trình là xây dựng 3 tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, sông Bà Rén và sông Bàn Thạch để đảm bảo có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu không có 3 tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trọng yếu này thì 4.000ha lúa hè thu ở các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ và một phần của Đà Nẵng sẽ bị đe dọa. Nếu thời gian tới nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trên diện rộng, mực nước của hàng loạt hồ chứa thủy lợi tụt giảm mạnh thì rất nhiều khả năng trong vụ hè thu 2020 này toàn tỉnh sẽ có gần 10.000ha lúa buộc phải áp dụng các biện pháp chống hạn"- ông Trương Xuân Tý chia sẻ thêm.
Không riêng Quảng Nam, tỉnh TT-Huế cũng đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông suối vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích gieo trồng.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi gần 300ha lúa nước sang các cây trồng chịu hạn khác, diện tích còn lại huy động lực lượng nạo vét hệ thống kênh, thủy lợi và tích trữ nước. Hiện, mực nước tại các hồ trên địa bàn TT - Huế vẫn thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-40%. Vì vậy, nguồn nước tưới cho vụ hè thu 2020 có khả năng bị thiếu hụt, khoảng 3.000ha phải chuyển đổi cây trồng tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang.
Nhằm đảm bảo công tác chống hạn hiệu quả, ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho hay, Sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới sang cây trồng sử dụng ít nước hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với những diện tích bị thiệt hại do hạn hán trong vụ hè thu năm trước như ở Phú Đa (H.Phú Vang); Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ (H.Phong Điền); Hương Xuân, Hương Hữu (Nam Đông)...
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi kiểm tra chống hạn tại TT-Huế. |
Giữ rừng - chống hạn
Không riêng gì việc giải quyết vấn đề về nguồn nước, công tác phòng chống cháy rừng cũng đang được các địa phương quan tâm. Riêng tại Quảng Nam, mới đây, người đứng đầu chính quyền tỉnh này đã ban hành Công điện 02/CĐ-UBND về tăng cường triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
"Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ở mức 38 - 40 độ C, cấp cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và đã xảy ra cháy rừng tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Núi Thành... Theo dự báo những ngày tiếp theo, thời tiết trên địa bàn tỉnh sẽ có những diễn biến phức tạp, tiếp tục nắng nóng gay gắt, kéo dài; do đó, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất lớn và có khả năng xảy ra trên diện rộng. Để kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng có thể xảy ra nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TX, TP nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững; tập trung chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát việc triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn..."- nội dung Công điện nêu.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng, xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất để xảy ra cháy rừng, kịp thời xử lý, không để cháy rừng lan rộng. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
"Tăng cường chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm xuống địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để tham mưu UBND cấp xã thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác PCCCR. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT (Chi cục Kiểm lâm) và các địa phương trong trường hợp chữa cháy rừng khi có yêu cầu. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan kiểm lâm tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
BÃO BÌNH - HẢI LAN