Gửi trọn tuổi xuân cho núi rừng

Thứ tư, 11/11/2015 08:48

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đã dẫn đường chúng tôi đến với ngôi trường Tiểu học và THCS Phước Thành nằm sâu thẳm dưới dãy núi Ngọc Linh, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ...

Khu nhà công vụ trở thành mái ấm gia đình của cán bộ, giáo viên. 

Đầu tiên là câu chuyện về cô giáo trẻ Nguyễn Thị Vạn Hạnh (quê xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam, giáo viên môn Âm nhạc) đã lập gia đình lên đây giảng dạy 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện sinh con vì sống trong cảnh “chồng một nơi, vợ một nẻo”. Cô Hạnh giọng buồn tâm sự: “Ở đời, ai cũng có ước muốn sớm có những người con để làm lẽ sống hạnh phúc, nhưng nhiều khi vì điều kiện, vì lý do cuộc sống nên phải dặn lòng gác lại”. Hay như nỗi nhọc nhằn của cô giáo Hoàng Thị Thanh Nguyệt (quê H. Thăng Bình, Quảng Nam, giáo viên môn Vật lý) nuôi con nhỏ một mình giữa núi rừng.

Gần 1 năm nay, căn nhà công vụ chật chội là nơi sinh sống của hai mẹ con cô cùng với 3 giáo viên nữ khác. Chia sẻ về chuyện đời riêng của mình, cô Nguyệt nói: “Sau khi sinh đến ngày trở lại trường công tác, mình cũng muốn gửi con lại nhờ ông bà chăm sóc, nhưng nhìn con nhỏ chưa đầy 5 tháng tuổi còn khát sữa mẹ, bỏ đi không đành lòng nên phải mang cháu lên cùng. Dẫu lên đây “rừng thiêng, nước độc”, điều kiện chăm sóc cháu khó khăn, nhưng được cái mẹ con gần nhau, cháu được bú mớm. Lòng mẹ đỡ ray rứt!”.

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Nguyệt nuôi con nhỏ một mình giữa núi rừng.

Chuyện riêng của cô Hạnh, cô Nguyệt cũng là nỗi niềm chung của nhiều giáo viên khác đang công tác tại Trường Tiểu học và THCS Phước Thành (xã Phước Thành, H. Phước Sơn, Quảng Nam) mà chúng tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện. Thầy Nguyễn Văn Mẫn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành, cho biết cả trường có tất cả 35 giáo viên thì có đến 24 giáo viên nữ đang độ tuổi sinh đẻ, hầu hết các cô đã lập gia đình, nhưng mấy khi vợ chồng được gần nhau.

Thiếu phòng công vụ, 4 -5 giáo viên ở cùng một phòng chưa đầy 30m2, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, bất tiện. Thiệt thòi và cảm thương nhất vẫn là những giáo viên có con nhỏ. Điều đó khiến chúng tôi càng thêm cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên vùng cao. Dẫu cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn kề vai sát cánh cùng nhau trong sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ chí tình của tập thể, để hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy Nguyễn Văn Mẫn tâm sự: “Con đường phát triển của giáo dục huyện miền núi Phước Sơn là hành trình của cuộc chiến đấu với “giặc dốt” của bao thế hệ đội ngũ cán bộ, giáo viên; là cuộc trường chinh của những thầy cô giáo từ miền xuôi mang ánh sáng văn hóa đến với tất cả các bản làng xa xôi ở tận cùng miền tây tỉnh Quảng Nam – nơi đồng bào dân tộc Giẻ Triêng một thời chỉ biết cái nương, cái rẫy, con em dân bản chưa hề biết đọc, biết viết. Những thành quả của ngành GD-ĐT huyện miền núi Phước Sơn hôm nay làm sao có thể đong đếm được những hy sinh thầm lặng, cống hiến cả tuổi thanh xuân của các thế hệ cán bộ, giáo viên”.

Khải Minh