Hai bờ eo biển Đài Loan và cuộc bầu cử 2016

Thứ ba, 12/05/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Cả Quốc Dân đảng (KMT) cầm quyền và phe đối lập Dân Tiến đảng (DPP) đều cần phải điều hướng một số khó khăn trước cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) vào năm tới.

Hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Phong trào Sinh viên Hoa Hướng Dương nổ ra, làm chuyển đổi cảnh quan chính trị của Đài Loan. Tháng 3-2014, một nhóm sinh viên ở Đài Loan chiếm đóng cơ quan lập pháp trong 23 ngày để phản đối một hiệp ước thương mại với Trung Quốc đại lục được KMT ủng hộ. Đây là nguyên nhân khiến KMT thất bại trước DPP trong cuộc bầu cử cấp địa phương tháng 11-2014, kết quả xem như là một thước đo chính của cuộc đua trở thành lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016.

Sau khi đánh giá các thay đổi cảnh quan chính trị ở Đài Loan, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) bắt đầu “bắt tay thân mật” hơn với các DPP, chuẩn bị cho kịch bản trong đó ủng hộ DPP trở lại nắm quyền năm tiếp theo. Quan hệ hai bờ eo biển không còn là “trò chơi độc quyền” cho KMT và CPC. Tuy nhiên, DPP cần phải thuyết phục người dân trong các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nếu giành chiến thắng. Bởi lẽ hiện tại, quá nhiều hiện tượng chính trị xuất hiện tại Đài Loan từ sau Phong trào Hoa Hướng Dương.

Thứ nhất, các phong trào biểu tình của sinh viên chứng tỏ xu hướng đòi dân chủ sâu sắc hơn. Người Đài Loan ngày càng có xu hướng sẵn sàng bày tỏ nỗi thất vọng và quan ngại với chính quyền, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một cuộc khảo sát hậu bầu cử công bố vào tháng 12-2014 cho thấy, thế hệ trẻ không còn thờ ơ với chính trị và sẵn sàng đến điểm bầu cử, và điều này có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử tháng 11-2014.

Thứ hai, các cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn tích lũy của người dân đối với các thiếu sót của chính quyền nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu. Những vụ bê bối an toàn thực phẩm và những lo ngại về khả năng cạnh tranh kinh tế của Đài Loan là vấn đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân và được coi là ưu tiên mà chính quyền cần giải quyết.

Trong khi mọi người ưu tiên các vấn đề “kế sinh nhai” như tiền lương trì trệ và giá nhà đất tăng cao, chính phủ đặt quá nhiều trọng tâm vào các hiệp ước và quốc tế hóa thương mại dịch vụ, khuếch đại bất mãn của người dân và đặt DPP vào vị trí vững chắc trong cuộc bầu cử năm 2016.

Thứ ba, chính sách của ông Mã Anh Cửu trong việc thắt chặt mối quan hệ hơn với Trung Quốc cũng làm bùng nổ nhiều lo ngại. Một mặt, việc thúc đẩy giao lưu qua eo biển trong 7 năm qua thúc đẩy lượng du khách tăng mạnh từ đại lục. Hơn 10 triệu du khách Trung Quốc đến thăm Đài Loan kể từ năm 2008 - cho phép người dân ở Đài Loan chứng kiến sự khác biệt giữa họ và đại lục.

Mặt khác, một số người Đài Loan bắt đầu lo lắng, chính quyền ông Mã nghiêng “quá gần” đến Bắc Kinh. Đây cũng là yếu tố làm bùng nổ biểu tình của sinh viên. Họ xuống đường yêu cầu nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu dừng hiệp ước thương mại gây tranh cãi với Trung Quốc đại lục, ký vào tháng 7-2014, được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thương mại dịch vụ giữa Đại lục và Đài Loan, vốn bị chia cắt 65 năm sau nội chiến.

Những thách thức này cho thấy, KMT cần phải đối mặt với áp lực trong nước để lấy lại niềm tin của người dân sau khi thất bại trong cuộc bầu cử long trời lở đất vào tháng 11-2014. Để giành chiến thắng trong năm tới, trọng tâm của KMT là cần phải kiểm tra lại “chính sách Trung Quốc” bởi mối quan hệ gần gũi hơn với Đại lục có thể làm thay đổi bản chất của quan hệ hai bờ eo biển.

Thanh Văn