Hài cốt liệt sĩ do “cậu Thủy” tìm ở Đắc Lắc có bị làm giả?

Thứ tư, 30/10/2013 11:56

(Cadn.com.vn) - Thông tin Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”, quê Bắc Ninh) bị CQ An ninh điều tra CA tỉnh Quảng Trị bắt giữ vì liên quan đến việc làm giả hài cốt liệt sĩ (HCLS) tại địa bàn tỉnh Quảng Trị đã làm người dân Đắc Lắc xôn xao, đặt nghi vấn: 73 bộ hài cốt do “cậu Thủy” tìm kiếm cũng với phương thức áp vong, nhập hồn có phải là HCLS?

 “Cậu” phán!

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc, xuất phát từ một việc ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) thông qua “cậu Thủy”, bằng phương thức áp vong, nhập hồn đã tìm được HCLS của bố là liệt sĩ Dương Văn Mừng (hy sinh năm 1968) tại thôn 1, xã Ea H’leo, H. Ea H’leo, Đắc Lắc. Qua việc tìm được HCLS Mừng, “cậu Thủy” còn phán: tại khu vực tìm được HCLS Mừng còn có nhiều bộ HCLS chưa được quy tập. Do đó,  Công đoàn NHCSXHVN có kế hoạch quy tập HCLS là đồng đội của liệt sĩ Mừng tại vị trí nêu trên. Sau đó, NHCSXHVN do ông Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Lắc về việc triển khai công tác tìm kiếm HCLS. UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND H. Ea H’leo và các ngành chức năng của tỉnh Đắc Lắc phối hợp với NHCSXHVN tổ chức quy tập HCLS tại xã Ea Hleo.

Đợt quy tập HCLS ở Ea H’leo diễn ra vào 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ 29 đến ngày 31-12-2012, đợt 2 từ ngày 6-9-2013), địa điểm quy tập tại KM 106, 107, 108 QL 14 (gần cầu 110, giáp ranh với tỉnh Gia Lai). Kết quả quy tập theo hình thức áp vong, nhập hồn do “cậu Thủy” làm chủ đã tìm được 73 bộ HCLS, bên cạnh đó còn tìm nhiều di vật như 17 bình đông, 30 ngôi sao vàng, 6 đôi dép cao su, 3 nắp ăng gô, 2 đoạn dây thắt lưng, 1 dao nhíp... Trong số 73 hài cốt, có 10 bộ xác định được đầy đủ thông tin, 5 hài cốt có tên. Sau khi quy tập được HCLS, Cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc đã tiếp nhận và an táng các HCLS tại nghĩa trang tỉnh Đắc Lắc.

“Cậu Thủy” (đeo kính) trong đợt quy tập  HCLS ở Ea Hleo.

Nhiều điểm bất thường

Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc cho biết, Nhà nước không công nhận tìm HCLS bằng ngoại cảm, tâm linh nhưng phía Ngân hàng CSXH đặt vấn đề tìm kiếm HCLS bằng tâm linh kết hợp thông tin với đồng đội, cụ thể là đợt quy tập có sự tham gia nhiều nhân chứng sống tự cho là đồng đội cũ tham gia chiến đấu ở khu vực Tây Nguyên nên càng có cơ sở tin tưởng. Các nhân chứng đi theo đoàn quy tập nói trên là các ông Nguyễn Văn Toản, nguyên là đơn vị Trung đoàn 9, Sư 320, Quân đoàn 3 (hiện trú Đồng Nai), ông Mai Khắc Dư, nguyên là đơn vị tiểu đội 1, Trung đội 3, Đại đội 16, Sư 324 (hiện trú H. Chư Păh, Gia Lai) và ông Trương Quốc Khởi, Đại tá, nguyên chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc mặt trận B3 Tây Nguyên (hiện trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

Trong quá trình quy tập, một điểm bất thường là thời gian quy tập diễn ra từ 17 đến 23 giờ hằng ngày, đây là chủ ý của ông Thủy. Trong nhóm người bị áp vong, nhập hồn cũng chủ yếu là người của NHCSXH. Sau khi tiến hành an táng, truy điệu HCLS, Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc có công văn xin ý kiến của Cục Người có công – Bộ LĐ-TB&XH lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN đối với số HCLS được “cậu Thủy” tìm kiếm nhưng Cục Người có công đã có công văn đề nghị chưa lấy mẫu hài cốt để giám định ADN đối với số hài cốt trên.

Cuốn Biên niên sự kiện của Quân đoàn 3 không tìm thấy bất kì một thông tin nào về những liệt sĩ đã hy sinh ở đây.

Đâu là sự thật?

Liên quan đến vụ việc, sau khi an táng, truy điệu HCLS, UBND tỉnh đã có công văn giao cho Bộ CHQS tỉnh khẩn trương làm việc với các đơn vị quân đội hữu quan, các nhân chứng nhanh chóng xác minh các đơn vị bộ đội đã làm nhiệm vụ tại khu vực Cầu 110, H. Ea H’leo trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến năm 1972, đồng thời thu thập danh sách các liệt sĩ đã hy sinh tại điểm nói trên. Ngày 26-4-2013 Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc đã có Công văn số 1034 đề nghị: Quân đoàn 3, Sư đoàn 320/Quân đoàn 3 và Ban liên lạc Mặt trận B3 Tây Nguyên về việc “Xác minh các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực cầu 110, Quốc lộ 14 huyện Ea H’leo từ năm 1968 đến năm 1972”. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc đề nghị tra cứu hồ sơ lưu trữ tại đơn vị, cung cấp danh sách các đơn vị đã tham gia chiến đấu hoặc hành trú quân tại địa bàn này và số liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn này.

Công văn trả lời của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3.

Qua tra cứu hồ sơ, tìm hiểu các tài liệu liên quan, ngày 24-5-2013, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã có Công văn số 174/CCT-BCS trả lời những vấn đề trên. Công văn nêu rõ: “Qua nghiên cứu Lịch sử của Bộ đội Chủ lực Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3; Biên niên sự kiện 1964-2000 và một số tài liệu khác có liên quan đều không thấy nội dung ghi chép có đơn vị nào và trận đánh nào thuộc Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 ở khu vực cầu 110, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc.

Công văn cũng nêu rõ: Trong hồ sơ liệt sĩ của Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 từ năm 1964 đến năm 1975 lưu trữ tại Ban Chính sách, Cục chính trị không thấy có thông tin về liệt sĩ nào hy sinh được mai táng tại khu vực này. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 khẳng định: Về một số liệt sĩ được khắc tên tại Nhà bia tưởng niệm khu vực cầu 110, H. Ea H’leo đơn vị đã kiểm tra, đối chiếu thông tin đều không có tên trong danh sách liệt sĩ của Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3. Điều đó có nghĩa những tên tuổi liệt sĩ được xác định danh tánh do “cậu Thủy” tìm thấy đều không có tại hồ sơ lưu trữ của Quân đoàn 3.

Đến thời điểm hiện nay, việc 73 phần mộ liệt sĩ đã được quy tập với sự kính cẩn của người dân, chính quyền tỉnh Đắc Lắc vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Chính vì vậy, dư luận càng nóng lòng hơn bao giờ hết.

Minh Tân – Hữu Phúc