Hai "ông Tây" nặng lòng với Việt Nam

Thứ tư, 16/12/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Họ đến Việt Nam tham gia các hoạt động vì cộng đồng, giúp người nghèo và những hoàn cảnh thiếu may mắn. Ông Anders Krystad- người Na Uy, giám đốc Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam; còn ông Guillaume Chantry- người Pháp - là điều phối viên Dự án nhà chống bão...

Người khai sinh bóng đá phong trào

Ông Anders mở đầu câu chuyện với tôi về ký ức của mình qua những cuộc chiến tranh ở Việt Nam: "Qua các phương tiện thông tin, tôi biết đến Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Vào thời gian đó, rất nhiều người Na Uy ủng hộ Việt Nam. Họ nhận thức được những nỗi đau mà đất nước các bạn đang phải gánh chịu trong cuộc chiến". Anders nói rằng, trước khi đến với bóng đá cộng đồng (BĐCĐ) tại Việt Nam thì đất nước Việt Nam đã ở trong trái tim và tâm trí ông.

Năm 1999, Anders làm việc cho một CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Na Uy. CLB hoạt động không phân biệt đối xử giữa nam - nữ; giàu - nghèo và đặc biệt chú trọng phát triển bóng đá phong trào (BĐPT). Lúc đó, CLB đã đề nghị Anders làm một hoạt động gì đó giúp BĐTE ở Việt Nam. Số quỹ khiêm tốn chỉ 10.000 USD. "Vì tình yêu Việt Nam, tôi tình nguyện lên đường. Năm 2001, khi đến đất nước các bạn, tôi thấy trẻ em rất thiệt thòi, không có một hoạt động bóng đá nào dành cho cho trẻ em. Tôi quay về Na Uy vận động quỹ... Có được nguồn quỹ, tôi quay trở lại Việt Nam thì mất nhiều thời gian mới xin được giấy phép thành lập BĐCĐ"- Anders nhớ lại.

Đến nay, đã là năm thứ 13, Anders gắn với BĐPT Việt Nam với cương vị giám đốc. Anders đã gây dựng được 175 CLB BĐPT (166 CLB ở Huế và 9 CLB ở Hải Phòng) với hơn 17.000 trẻ em tham gia. Hiện, mô hình này đang nhân rộng ra các tỉnh: Quảng Trị, Đà Nẵng. Điều đặc biệt của BĐPT là những trẻ em khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ đều được tham gia. Anders nhớ lại, có một lần hướng dẫn cho một em bị thiểu năng trí tuệ, dù có phiên dịch nhưng "ông Tây" nói một đường, cậu bé lại làm một nẻo và việc này cứ lặp đi lặp lại. Nhưng rồi bằng tình thương yêu, bằng sự sẻ chia của mình; chỉ một thời gian ngắn, Anders giúp cậu bé chơi bóng rất tốt. Anders nói, niềm say mê bóng đá giúp trẻ khuyết tật phát triển kỹ năng sống, vượt qua mặc cảm để hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Anders Krystad.

Giúp dân nghèo xây nhà chống bão

Guillaume Chantry là một kỹ sư xây dựng người Pháp. Với mong muốn đem kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng giúp nhiều người dân nghèo bị ảnh hưởng thiên tai nên ông đã tình nguyện vào làm việc cho Tổ chức Hội thảo phát triển Pháp (DWF). Đây là tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động trên lĩnh vực giúp đỡ người dân nghèo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai về nhà ở các nước đang phát triển như Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Chantry từng đến 3 nước Đông Dương và hỗ trợ cho các chiến dịch chiến tranh ở Việt Nam. Sau cơn bão 1985 và 1989, ông đề xuất làm dự án nhà chống bão tại các tỉnh miền Trung Việt Nam và được tổ chức UNDP tài trợ.

Ngay sau cơn lũ lịch sử năm 1999, Chantry quay trở lại Việt Nam và là Điều phối viên Dự án nhà chống bão. Hình ảnh, ông "Tây" có mặt ở khắp các vùng quê hứng chịu thiên tai ở dải đất miền Trung trở nên quen thuộc với người dân. Một đồng nghiệp của Guillaume kể: "Có lần, nhận được tin Quảng Bình bị bão tàn phá nặng nề. Bất chấp trời mưa gió, Guillaume vẫn lên xe đến với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Khi đến nơi, thấy nhà cửa tan hoang, tài sản vùi trong đống đổ nát, người dân kiệt sức, Guillaume bật khóc. Và, cảm xúc của ông lần nào cũng vậy mỗi khi chứng kiến cảnh người bị thiên tai tàn phá". 16 năm qua, dự án của Chantry đã trực tiếp hỗ trợ xây gần một ngàn nhà chống bão cho người dân. Ngoài ra, ông còn trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật làm nhà chống bão; sửa chữa, khắc phục các nhà tốc mái cho người dân.

Ông Guillaume Chantry.

Chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả hai "ông Tây" này đều quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Ông Anders Krystad vẫn nhớ như in lần đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam, xuống sân bay Nội Bài vào một ngày chủ nhật, trên đường đi taxi vào trung tâm Hà Nội, ông rất bất ngờ khi thấy trên các cánh đồng vẫn có nhiều người miệt mài làm việc. "Điều này chứng tỏ người dân Việt Nam rất chăm chỉ, làm việc không kể ngày nghỉ"-Anders nói. Sau nhiều năm ở Huế, Anders đã cưới vợ người Huế. "Ở Huế, tôi như đang sống trong một bức bưu thiếp bởi nhiều cảnh đẹp, di tích, đền đài, lăng tẩm. Tôi thường xuyên động viên bạn bè nên đến Việt Nam, đặc biệt là Huế nơi có nền văn hóa tốt và có rất nhiều món ăn ngon"- Anders cho hay. Khi được hỏi món ăn nào Anders thích nhất, ông "bật mí" đó là món mứt gừng mà ông thường mua ăn và biếu bạn bè vào mỗi dịp Tết.

Còn với ông Guillaume Chantry, suốt hơn 16 năm ở Huế, kể, bây giờ đến các quốc gia khác, có người hỏi: "Where are you from?", ông đã trả lời: "I'm from Vietnam". "Việt Nam như là quê hương thứ hai của tôi. Ở Huế, tôi thấy như ở Pháp bởi Huế có nhiều nét tương đồng với văn hoá, kiến trúc Pháp...". Ông Chantry nói, rất thích ăn tết Huế bởi thời gian này, mọi người trong gia đình được sum vầy, quây quần bên nhau.

Hải Lan