Hải quân Mỹ với kỷ nguyên “Châu Á - Thái Bình Dương”

Thứ sáu, 04/04/2014 10:57

(Cadn.com.vn) - Sau Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh chống khủng bố (GWOT), Mỹ bắt đầu chuyển hướng “trục” sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyển “trục”, Mỹ được lợi gì?

Năm 2011, Tổng thống Mỹ Obama đưa ra sáng kiến mới chuyển hướng sang khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tháng 11-2011, trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton công bố bài viết mang tên Kỷ nguyên Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định tương lai khu vực được Washington xem là động lực kinh tế toàn cầu. Vì vậy, sự có mặt của Mỹ tại khu vực này là cần thiết, giống như Mỹ từng làm ở Châu Âu sau Thế chiến II.

Cũng phải nói thêm rằng, sau Thế chiến II, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát triển vô cùng sôi động. Với dân số chiếm nửa thế giới, diện tích rộng, giàu tài nguyên, tiềm năng kinh tế khu vực này rất mạnh. Bằng chứng, 7 trong 10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là của khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này cho thấy mối quan tâm của Mỹ đến Châu Á là hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi cục diện địa-chính trị đang ngày càng thay đổi, trong đó Mỹ và Trung được xem là hai cực đạo chính.

Hơn 2 năm sau khi bà H.Clinton vạch ra chính sách mang tầm nhìn chiến lược, chính sách trên của Mỹ còn tham vọng hơn cả những gì dư luận được biết. Để phục vụ cho mục đích này, Mỹ khởi xướng nhiều sáng kiến nhằm biến Châu Á- Thái Bình Dương thành khu vực năng động, hội nhập kinh tế.

Trên thực tế, “trục” Châu Á-Thái Bình Dương đã và đang triển khai, và đạt được một số kết quả, đặc biệt, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Ví dụ, Mỹ triển khai 2.500 lính thủy tại Darwin (Australia) và các tàu chiến đấu ven biển (LCS) tại Singapore.

Trong khi Trung Quốc chỉ trích mối đe dọa quân sự của Mỹ tại khu vực, chính quyền Obama lại tập trung nỗ lực trên mặt trận ngoại giao và kinh tế. Ngoại trưởng John Kerry được xem là bản sao của Ngoại trưởng H.Clinton trong việc thực thi chính sách này.

Cả Mỹ lẫn Trung đều cùng nhau đàm phán 60 vấn đề có liên quan, thậm chí cả mối quan hệ hợp tác quốc phòng, thực tế, mối quan hệ này đã được cải thiện đáng kể dưới triều đại Tập Cận Bình.

Máy bay và tàu Mỹ tham gia tập trận hôm 30-3 trên biển Hoa Đông.

Hải quân là lực lượng “xung kích”?

Đô đốc hải quân Jonathan Greenert được xem là nhân vật “đình đám” trong Kỷ nguyên Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đô đốc này, có đến 50-60% tổng lực hải quân Mỹ sẽ được tăng cường cho chính sách nói trên. Điều này phù hợp với những gì hải quân Mỹ đã và đang làm tại khu vực, như mở rộng tập trận chung và trao đổi buôn bán vũ khí cũng như tranh luận học thuyết Chiến tranh trên không -trên biển. Tuy nhiên, Kỷ nguyên Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khi ngân sách bị cắt giảm.

Chẳng hạn, kế hoạch triển khai 306 tàu hải quân đang có nguy cơ “giãn tiến độ” do thiếu vốn. Hoặc sáng kiến “nghìn tàu hải quân” của Đô đốc Mike Mullen nhằm “cân bằng” lực lượng trên biển cũng khó có tính khả thi. Ngay cả nỗ lực tiếp cận vùng biển Philippines và hợp tác với hải quân Manila như thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng gặp khó khăn.

Theo đánh giá của giới phân tích, trong khi Bắc Kinh tăng cường chi phí quốc phòng, Washington lại gặp khó khăn về ngân sách. Sự mất cân bằng khiến Trung Quốc “hưởng lợi”. Vì vậy, Mỹ nên tập trung hải quân ở vùng Đông Á thay cho dàn trải trên toàn khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Trong khi Mỹ gặp không ít khó khăn thì ngay tại khu vực lại xuất hiện nhiều sự cố mới. Chẳng hạn như khủng hoảng bán đảo Triều Tiên bất ngờ bùng phát, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ), sự cố biển Hoa Đông...

Tất cả những sự kiện này làm cho Washington không thể điều quân dàn trải khắp khu vực. Từ khi có ADIZ, một số chuyến bay quân sự của Mỹ, Nhật, Hàn đều rơi vào tầm quét của radar Trung Quốc, thậm chí cả các hãng hàng không dân sự của nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả Mỹ, trước khi qua ADIZ đều phải đăng ký lịch bay.

Có thể thấy rằng, nếu năm 2011 được xem là mốc khởi xướng, 2014 mới thực sự là khởi đầu của Kỷ nguyên Châu Á - Thái Bình Dương.

Khắc Nam

(Theo Diplomat)