Hai vị "thần giữ của" ở chiến trường K
Kỳ tích chở củi về... rừng
Vị tướng Bình Định Huỳnh Hữu Anh, tên thường gọi là Quang từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng nổi tiếng, trước khi làm Phó Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Mặt trận 579. Cuối năm 1978, các cơ quan, đơn vị Quân khu theo Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh từ Đức Cơ, Gia Lai qua bên kia biên giới đánh vào sào huyệt của bọn Pol Pot. Lệnh của Quân khu truyền xuống, các đơn vị chỉ được phép dùng của bạn không khí và nước, ngoài ra không đụng bất cứ thứ gì. Đích thân Tư lệnh đến tận các trung đoàn đôn đốc chặt cây ngành ngạnh lấy củi cột bên thành xe. Nhiều chiến sĩ thắc mắc: "Bên bạn cây cối thiếu gì sao phải chở củi về rừng" và được giải thích: "Có thể sau này chúng ta được phép, còn bây giờ cứ chấp hành". Những chiếc xe chở quân, kẹp bên hông là củi khô có lẽ là hình ảnh sinh động nhất của người lính quân tình nguyện kỷ luật nghiêm minh. Qua tỉnh Strung treng, nơi đặt bản doanh của Mặt trận, trái cây rụng đầy vườn, cá bơi đặc dưới sông vậy mà không ai dám đụng vào. Nhiều nơi dân bỏ đi, bò hoang cả đàn nhưng bộ đội chỉ ăn cá khô, mắm khô. Một đêm, chiến sĩ gác nghe thấy bóng và tiếng lốc cốc từ xa tưởng địch liền bắn ngay. Thì ra đó là con trâu mang mõm. Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh nghe tiếng súng chạy ra. Có anh nói: "Thôi đằng nào cũng lỡ rồi, đề nghị thủ trưởng cho làm thịt để anh em cải thiện". Nhưng nhận lại là cái nghiêm mặt: "Thôi bỏ, đừng ăn trâu, sinh chuyện đấy. Chúng ta qua đây giúp bạn, theo đề nghị của Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia. Không để người dân nghĩ ta qua xâm lược, lấy của cải".
Đại tá CCB Huỳnh Quang Hạng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Mặt trận 579 nhớ như in ngày đi họp ở thủ đô Pnôm Pênh với thủ trưởng. Cả hai cùng đi xem chợ trung tâm. Đất nước hồi sinh, hàng hóa lúc này đã đa dạng, phong phú. Trong túi thầy trò cũng có tiền ria nước bạn. Cứ nghĩ thủ trưởng sẽ mua thật nhiều quà hoặc vải vóc, dép Lào cho vợ và ba con trai ở nhà nhưng ông nói: "Chúng ta trả tiền đàng hoàng nhưng người dân sẽ nhìn vào thấy bộ đội mua sắm nhiều sẽ không mấy thiện cảm. Tốt nhất cứ về nhà mà mua". Vị đại tá già bỗng bật cười khi nhớ đến câu chuyện đã gần 40 năm: "Ngày đó dân vận nghiêm lắm. Nhất là chuyện gái trai. Đã có trường hợp tòa án quân đội qua xử một quân nhân vi phạm. Nhân dân trong vùng đều biết. Đội đánh cá của đơn vị (lúc này đã được phép) có cậu Thu còn trẻ. Hàng ngày anh chàng thả lưới trên sông Mê Kông, quen và làm một cô gái trong vùng có thai. Cha cô gái biết chuyện đến đơn vị tìm cho bằng được người chỉ huy cao nhất của Mặt trận. Khi tôi gọi thủ trưởng Huỳnh Hữu Anh ra thì ông già quỳ lạy rối rít, xin tha cho cậu Thu, đừng kỷ luật. Tư lệnh hỏi mà cũng để thăm dò: "Thế già muốn gả con gái cho cậu Thu hả? Sau này cô ấy theo về Việt Nam có chịu không?" Ông già gật đầu lia lịa. Vậy là vấn đề được giải quyết".
Mềm mỏng, linh hoạt, rất thương yêu lính là tính cách của Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh. Có lần xuống đơn vị hóa học thấy chở vật liệu về nước bằng những thùng gỗ dày quá mức cần thiết. Ông biết tỏng là lính tận dụng gỗ này để đóng giường, bàn ghế. Tư lệnh khẽ nói với ông Hạng: "Thôi anh em khổ quá rồi, chừng đó cũng không nhiều nhặn gì. Để mình nói cho kiểm soát quân sự thôi kiểm tra". Nhưng cũng có trường hợp ông bắt đem xuống xe ngay lập tức mấy súc gỗ của một cán bộ. Giao ban ông còn phê bình nghiêm khắc.
Tư lệnh cũng phải cho... xem giấy
Thiếu tướng Huỳnh Hữu Anh (giữa) tại lễ rút quân của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (1987). Ảnh: Chụp lại |
Cũng là người con miền đất võ, Thiếu tướng Lê Lung là Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 307 trước khi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315. Ông là người để lại nhiều ấn tượng với cán bộ, chiến sĩ bởi sự nghiêm khắc, không vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ kỷ luật quân đội ở chiến trường K. Theo Đại tá CCB Trần Đức Kháng hiện ở 227/52 Nguyễn Văn Thoại (Đà Nẵng) thì có lần đơn vị tiếp quản một nhà đầy gạc nai. Có ý kiến muốn lấy một ít nấu cao để đơn vị bồi bổ nhưng Chính ủy Lung kiên quyết không cho. Để giải quyết tình trạng chiến sĩ bị phù do thiếu chất, đặc biệt là thiếu rau xanh, ông chỉ đạo các đơn vị trồng rau, tăng gia, rồi rảnh là vác cuốc cùng anh em. Tận dụng nguồn mối dồi dào từ gỗ mục, ông chỉ đạo toàn đơn vị nuôi gà và trở thành nguồn bồi dưỡng chính cho bộ đội bấy giờ.
Thời ấy, có một chiếc xe máy là niềm mơ ước của lính ta nhưng có lần thu cả một kho xe máy hon đa ở Strung-cheng, ông bảo đơn vị niêm cất giao cho lực lượng của bạn. Lại có lần thu nguyên một kho bạc Đông Dương cũ, thật ra cũng không dùng được, nhưng có thể lấy làm lưu niệm. Chính ủy bảo mọi người không được động đến và giao hết cho địa phương. Lại chuyện này nữa. Một dịp Tư lệnh Mặt trận 579 Huỳnh Hữu Anh đến Prết-vi-hia và đề nghị mở kho gạo thu được phát cho chiến sĩ. Đây là chuyện rất hiếm hoi bởi thu đạn dược, hoặc các đồ dùng sinh hoạt thì nhiều nhưng gạo thóc thì chưa bao giờ. Vị chỉ huy Sư đoàn đã hỏi: "Thế có giấy của Mặt trận không?" khiến mọi người có mặt đều ngớ ra. Cuối cùng gạo cũng đã được phát ra theo lệnh. Ai cũng bảo thủ trưởng Huỳnh Hữu Anh đã là "thần giữ của", Chính ủy Lung còn hơn thế nữa.
Có người bảo ông quá cứng rắn nhưng ít ai biết Thiếu tướng Lê Lung là người đa cảm. Đêm đầu tiên tại đền Prết-vi-hia (di sản văn hóa thế giới), sau chiến thắng, ông xúc động lạ thường. Ngồi trên tảng đá bằng phẳng ở chân đền, ông nói với chiến sĩ vây quanh: "Chúng ta đã đi chặng đường dài, vượt qua bao hy sinh, gian khổ, giải phóng toàn bộ 4 tỉnh Đông bắc Campuchia và Prết-vi-hia là trận cuối cùng. Hãy khắc vào vách đá của đền để lịch sử không được phép lãng quên". Vì thế khi điện ảnh Quân đội làm phim tài liệu "Campuchia máu và nước mắt", ông được phỏng vấn với tư cách là một nhân chứng lịch sử của Quân khu 5, là đại diện của "đội quân nhà Phật" như người Campuchia gọi quân tình nguyện Việt Nam. Giọng nói sang sảng, tư duy minh mẫn của ông qua thước phim đã làm những ai từng chiến đấu ở xứ Chùa Tháp thêm trân trọng những năm tháng với nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ở tuổi 80, đôi chân ông vẫn thoăn thoắt, bươn bả đến từng ngọn đồi của Đắk Pơ, Gia Lai hay đi thăm nơi ăn chốn ở của bộ đội. Hình ảnh tuyệt đẹp đó đã lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết cho lớp trẻ.
Thiếu tướng Lê Lung (ở giữa, chỉ tay) trong chuyến đi về Gia Lai năm 2008. Ảnh: Hồng Vân |
Hai vị tướng chiến trường đã thành người thiên cổ. Nhưng tấm gương mẫu mực, liêm khiết của họ là niềm tự hào của con cháu và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 mãi mãi về sau.
HỒNG VÂN