Hàn Quốc tập trận đáp trả Triều Tiên
Quân đội Hàn Quốc ngày 4-9 tập trận bắn đạn thật nhằm vào khu vực Triều Tiên thử hạt nhân, đáp lại vụ thử hạt nhân thứ 6 vào hôm 3-9 và cũng là vụ thử mạnh nhất của Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc bắn tên lửa đạn đạo Hyunmoo trong cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 4-9. Ảnh: Yonhap |
Quyết tâm tiêu diệt kẻ thù
Cuộc tập trận, với sự tham gia của hệ thống tên lửa đạn đạo Hyunmoo và các máy bay chiến đấu F-15K, nhằm nâng cao khả năng tấn công khu vực thử hạt nhân Pyunggye-ri của Triều Tiên.
Trong cuộc tập trận này, tên lửa Hyunmoo-2A của quân đội và tên lửa đất đối không dẫn đường SLAM-ER của F-15K "tấn công chính xác" vào các mục tiêu giả định ở khu vực biển phía đông. Quân đội Hàn Quốc cho biết, tầm bắn của các tên lửa này đã được thiết lập để tương xứng với khoảng cách tấn công nhằm vào khu thử hạt nhân Punggye-ri tại đông bắc Triều Tiên. Khu vực Punggye-ri của Triều Tiên nằm cách Sokcho, một thành phố thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc khoảng 280 km, trong khi tầm bắn của Hyunmoo-2A khoảng 300 km, và SLAM-ER có thể bay tới 270 km. "Cuộc tập trận này này chứng tỏ quyết tâm của quân đội Hàn Quốc trong việc tiêu diệt không chỉ nguồn gốc của sự khiêu khích mà còn cả giới lãnh đạo của kẻ thù và các lực lượng hỗ trợ nếu chúng đe dọa đến an ninh của người dân chúng ta", Đại tá Roh Jae-cheon, phát ngôn viên của JCS, cho biết.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đang chuẩn bị mở các cuộc tập trận chung mới với đồng minh Mỹ và tăng cường các khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đáp lại vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ra tuyên bố cho biết, không quân và lục quân nước này cùng ngày mở cuộc tập trận có sự tham gia của các tên lửa không đối đất tầm xa và tên lửa đạn đạo. Tuyên bố cũng tiết lộ, Hàn Quốc và Mỹ đang chuẩn bị tiến hành thêm các cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng thông báo các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) sẽ sớm lắp đặt thêm 4 bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ mới ở miền Nam nước này. "Các bệ phóng còn lại sẽ sớm được triển khai thông qua các cuộc tham vấn giữa Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên", tuyên bố cho biết. Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ Môi trường Hàn Quốc chấp nhận kết quả cuộc khảo sát về ảnh hưởng môi trường của hệ thống vũ khí trên đang được vận hành tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300km về phía nam.
Hiện 2 bệ phóng của THAAD đã được đưa vào sử dụng, còn 4 bệ phóng nữa vẫn đang chờ được triển khai.
Tăng cường sức ép chống Triều Tiên
Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 4-9 nhất trí tăng cường các biện pháp mạnh mẽ chống Triều Tiên "lên mức hoàn toàn khác" để đáp lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo này đã thảo luận cách đối phó với vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. Ông Moon nêu rõ với nhà lãnh đạo Nhật Bản rằng cần phải có các biện pháp "thực chất hơn nữa" đối với Triều Tiên "tới mức Bình Nhưỡng có thể thực sự cảm nhận được sức ép" thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế, đồng thời nhấn mạnh cần gia tăng các biện pháp trừng phạt và sức ép "lên mức cao nhất để Triều Tiên phải tiến tới bàn đàm phán". Hai bên nhất trí tìm kiếm nghị quyết trừng phạt mạnh mẽ hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên và gọi vụ thử hạt nhân vừa qua là một hành động khiêu khích đe dọa nghiêm trọng cộng đồng quốc tế.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án "hành vi tiếp tục gây bất ổn và mang nặng tính khiêu khích của Triều Tiên". Tổng thống Mỹ đã lên tiếng trấn an ông Abe rằng, Mỹ sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, kể cả hạt nhân để chống lại Triều Tiên nếu thấy cần thiết. Ông Trump gọi vụ thử bom H của Triều Tiên là "hành động cực kỳ nguy hiểm và mang nặng tính thù địch". Ông Trump cũng chỉ trích mạnh mẽ đồng minh Hàn Quốc vì đã đề cập đến việc đối thoại với Triều Tiên. Theo Tổng thống Mỹ: "Triều Tiên chỉ chịu hiểu ra khi bị đe dọa tấn công quân sự".
Triều Tiên sắp phóng ICBM?
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 4-9 cho biết, Triều Tiên có thể bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) theo quỹ đạo chuẩn về phía Bắc Thái Bình Dương sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3-9.
Trong phiên họp kín của Quốc hội Hàn Quốc, NIS cho rằng, Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa nhân dịp kỷ niệm quốc khánh của Triều Tiên (ngày 9-9) hoặc ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (ngày 10-10). "Có khả năng miền Bắc sẽ bắn một ICBM trên một quỹ đạo chuẩn", NIS cho biết. Cơ quan trên còn cho rằng Triều Tiên đã hoàn thành xây dựng hầm ngầm thứ ba tại bãi thử hạt nhân và đang xây thêm một hầm ngầm nữa nên có thể nước này sẽ tiến hành thử hạt nhân thêm vào bất kỳ lúc nào.
Vai trò của Trung Quốc
Trung Quốc ngày 4-9 thông báo trao công hàm phản đối chính thức cho Triều Tiên, sau vụ thử vũ khí hạt nhân hôm 3-9. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Bắc Kinh "trao công hàm phản đối mạnh mẽ cho người phụ trách của Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc. Trung Quốc phản đối Triều Tiên tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân và chúng tôi nỗ lực giải giáp hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Lập trường này là rõ ràng và Triều Tiên cũng biết rõ về điều đó".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cùng ngày đề nghị Trung Quốc trợ giúp để thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn chống Triều Tiên tại phiên họp khẩn của HĐBA LHQ. Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút với Công sứ Lưu Thiếu Tân của Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, Ngoại trưởng Kono thông báo với báo giới, ông đã giải thích với phía Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc gây sức ép "tối đa" với Triều Tiên. Ông nói: "Tôi đã đề nghị Trung Quốc thảo luận và thông qua một nghị quyết mới, nghiêm khắc hơn" chống Triều Tiên".
AN BÌNH