Mục tiêu tiếp theo của Triều Tiên là Guam?

Thứ năm, 31/08/2017 12:22

Triều Tiên ngày 30-8 xác nhận phóng tên lửa tầm trung qua Nhật một ngày trước đó, đồng thời cảnh báo, động thái này là bước mở đầu cho nhiều hoạt động quân sự nhắm vào đảo Guam của Mỹ.

Bức ảnh KCNA công bố ngày 30-8 cho thấy Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-12, bay qua Nhật Bản 1 ngày trước đó. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: tên lửa tầm trung Hwasong-12, được phóng đi dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã “bay qua bầu trời phía trên bán đảo Hokkaido và Mũi Erimo của Nhật theo đường bay đặt trước và tấn công chính xác vào một vùng biển mục tiêu định sẵn tại Bắc Thái Bình Dương”.

Các quan chức Triều Tiên cho biết, ông Kim “rất hài lòng với vụ phóng tên lửa lần này”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nhấn mạnh, quân đội Triều Tiên sẽ tiến hành thêm nhiều vụ phóng tên lửa tương tự với mục tiêu là các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương. “Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất theo kiểu thực chiến này là bước đầu tiên để quân đội Triều Tiên phát động các chiến dịch quân sự tại Thái Bình Dương và là tiền đề quan trọng để hướng đến đảo Guam”, KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un cho biết.

Guam từ lâu đã là điểm nhấn thể hiện sự tức giận của Triều Tiên đối với Mỹ. Hòn đảo này từng bị Bình Nhưỡng đe dọa vào năm 2013 và một lần nữa vào đầu tháng này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những lời lẽ mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên. Hòn đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương là lãnh thổ gần nhất của Mỹ đối với Triều Tiên và là nơi có hai căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Một trong số này là căn cứ Không quân Andersen, từ đó Mỹ tiến hành các chuyến bay B-1 trên bán đảo Triều Tiên, nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tăng cường sức ép tối đa

Theo thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-In cho rằng, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua khu vực phía Bắc Nhật Bản đã lên tới mức độ “hành vi bạo lực” đối với quốc gia láng giềng. 

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Moon nhất trí cần gia tăng sức ép lên mức tối đa đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia đối thoại.  Ngoài ra, một quan chức Nhật cho biết hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tìm kiếm các nghị quyết của HĐBA LHQ một cách mạnh mẽ hơn nhằm chống lại Bình Nhưỡng.

Không chấp nhận giải pháp quân sự

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya tuyên bố, không thể sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. 

Phát biểu tại phiên họp của HĐBA LHQ liên quan đến việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa hôm 29-8, ông Nebenzya nói: “Không thể dùng giải pháp quân sự cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng tất cả các nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên phải chỉ rõ điều này”.  Ông Nebenzya nói rõ: “Bình thường hóa tình hình trên bán đảo Triều Tiên đòi hỏi một cách tiếp cận vừa chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vừa từ bỏ việc tăng cường lực lượng quân sự (Mỹ-Hàn Quốc), trong đó có Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giảm quy mô các cuộc diễn tập quân sự”.

Vai trò của Trung Quốc

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất phản đối vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và kêu gọi nỗ lực đưa vấn đề này trở lại đúng lộ trình đối thoại. 

Phát biểu tại phiên họp HĐBA LHQ, Đại sứ Lưu Kết Nhất cho biết Trung Quốc phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Ông Lưu cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các “hành động khiêu khích lẫn nhau” có khả năng làm căng thẳng khu vực trầm trọng hơn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó cũng tuyên bố Bắc Kinh đang phối hợp với các nước thành viên khác của HĐBA LHQ để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Ông Vương Nghị hối thúc tất cả các bên tuân thủ các biện pháp hòa bình và ngoại giao để tìm ra một giải pháp giải quyết căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức ép với Triều Tiên để chấm dứt các vụ thử tên lửa, đồng thời khẳng định vai trò chủ chốt của Bắc Kinh trong các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

AN BÌNH