Hàn - Triều đấu pháo qua biên giới

Thứ sáu, 21/08/2015 06:20

(Cadn.com.vn) - Cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên bởi việc Hàn - Triều đấu pháo trực tiếp qua biên giới đất liền là cực kỳ hiếm.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên đến mức “nguy hiểm cao” khi Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 20-8 đấu pháo và tên lửa qua biên giới, cuộc đụng độ vũ trang trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong vòng 5 năm qua.

Reuters dẫn nguồn tin từ Yonhap cho biết, đụng độ bắt đầu khi các đơn vị tiền tiêu thuộc mặt trận phía tây Triều Tiên nã đạn pháo về phía Hàn Quốc, nhắm trúng khu vực có loa phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Quân đội quốc gia miền Nam sau đó đáp trả bằng việc bắn hàng chục quả đạn pháo về phía Bình Nhưỡng.

Người dân Hàn Quốc chăm chú theo dõi thông tin về vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên.
Ảnh: AP

Hàn Quốc báo động cao nhất

Radar quân sự Hàn Quốc phát hiện cái mà Seoul gọi là “cuộc đổ bộ của tên lửa” từ Triều Tiên nhắm vào đơn vị tiền tiêu tại thị trấn Yeongcheon, tỉnh Gyeoggi vào lúc 15 giờ 52 (13 giờ 52, giờ Việt Nam), song may mắn không gây ra bất kỳ thương vong nào.

Lúc 17 giờ (15 giờ Việt Nam), Seoul đáp trả bằng cách bắn “hàng tá” đạn pháo cỡ 155 mm, nhắm mục tiêu điểm phóng tên lửa ở quốc gia miền Bắc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngay sao đó mở cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và ra lệnh quân đội có “phản ứng kiên quyết” với hành động khiêu khích của Triều Tiên đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. Quân đội Hàn Quốc cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong bối cảnh Seoul đang tiến hành tập trận quân sự chung với Mỹ - động thái mà Bình Nhưỡng cáo buộc là cuộc tổng duyệt cho kế hoạch xâm lược quốc gia miền Bắc. “Quân đội chúng tôi tăng cường cảnh giác và đang theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của quân đội Triều Tiên”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ. Giới chức Hàn Quốc cũng ngay lập tức ra lệnh sơ tán dân ở khu vực quanh đó.

Hôm nay (21-8), các nhà hoạch định kinh tế và tài chính hàng đầu Hàn Quốc sẽ nhóm họp để thảo luận về những tác động đối với nền kinh tế và các thị trường từ vụ đấu pháo này.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện

Giới truyền thông Triều Tiên không đề cập bất kỳ chi tiết gì về vụ đụng độ lần này.

Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un cũng không bắn tên lửa đáp trả nhưng ra tuyên bố cảnh báo Seoul rằng, Bình Nhưỡng sẽ có hành động quân sự nếu miền Nam không loại bỏ các loa phóng thanh tuyên truyền trong vòng 48 giờ tới, kể từ 17 giờ (giờ địa phương). Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, trong thư gửi đến Nhà Xanh, Triều Tiên cho rằng, chiến dịch tuyên truyền của quốc gia miền Nam đã phát đi “thách thức lớn” đối với miền Bắc.

Căng thẳng gia tăng tại vùng biên giới hơn 250km giữa hai nước kể từ ngày 4-8, thời điểm 2 binh sĩ biên phòng Hàn Quốc bị thương nặng do vụ nổ mìn ở Khu vực phi quân sự (DMZ) mà Seoul cáo buộc do Bình Nhưỡng thực hiện, song Triều Tiên bác bỏ. Vụ đấu pháo lần này đánh dấu cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên giữa hai nước kể từ sau khi Triều Tiên tấn công đạn pháo vào hòn đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010, giết chết 2 lính thủy đánh bộ và 2 dân thường. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc trả đũa bằng cách tấn công các vị trí bắn đạn pháo của Triều Tiên, làm bùng nổ lo ngại về một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Và nguy cơ xung đột toàn diện lại gia tăng sau vụ đấu pháo này. Bởi lẽ, đấu pháo trực tiếp qua biên giới đất liền trên bán đảo Triều Tiên là cực kỳ hiếm. Nguyên nhân là do cả hai nước đều nhận thức rõ nguy cơ “thảm khốc” khi hai nước vẫn đang còn trong tình trạng chiến tranh.

Khả Anh