TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Hàng hóa đang trên đường vận chuyển bị hư hỏng do tai nạn, ai có trách nhiệm bồi thường?

Thứ năm, 07/03/2024 16:29
*Bạn đọc hỏi: anh H.Dũng, trú Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), hỏi: Doanh nghiệp của tôi hoạt động tại Cẩm Lệ, chuyên cung cấp hàng hoá là thực phẩm tươi sống. Tháng 12/2023, Công ty tôi có thuê một đơn vị trung gian để vận chuyển lô hàng thực phẩm cho một siêu thị tại Nghệ An. Trong quá trình vận chuyển hàng hoá do tài xế mắc lỗi gây tai nạn dẫn đến hàng hoá trong xe bị hư hỏng hết. Vì thời gian quá gấp nên Công ty tôi không thể tìm được nguồn hàng thay thế dẫn đến bị chậm thời hạn giao hàng cho đối tác. Vì không có hàng hoá để bán nên đối tác đã phạt vi phạm đồng thời yêu cầu Công ty tôi bồi thường thiệt hại. Cho tôi hỏi trong trường hợp này thì siêu thị đó có thể phạt vi phạm và yêu cầu Công ty tôi bồi thường không? Đơn vị vận chuyển hay tài xế đơn vị đó có trách nhiệm bồi thường số hàng hoá bị hư hỏng của Công ty tôi không ?

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners kiêm Trưởng Chi nhánh Cẩm Lệ, trả lời:

Trong quá trình tham gia vào các hoạt động thương mại, trong một số trường hợp, một trong các bên chủ thể vì nhiều lý do khác nhau mà vi phạm hợp đồng hoặc thỏa thuận thương mại đã ký kết. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp của bên còn lại. Do đó, nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị vi phạm thì pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Bên cạnh đó, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 đã có những quy định cụ thể về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Siêu thị (Bên mua) có quyền phạt vi phạm và yêu cầu Công ty anh Dũng bồi thường thiệt hại hay không?

Luật Thương mại có những quy định điều chỉnh về quyền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 300. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Điều 302. Bồi thường thiệt hại

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại’’.

Việc không giao hàng hóa đúng thời hạn của công ty anh Dũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho siêu thị đối tác không có hàng hoá để bán khiến siêu thị mất đi một khoản doanh thu đáng lẽ ra sẽ có. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc không giao hàng đúng thời hạn là do tai nạn bất ngờ của đơn vị vận chuyển mà công ty anh Dũng không thể lường trước được và không thể khắc phục được.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “…Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Điều 294 Luật Thương mại quy định:

“Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”

Điều 295. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm

1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

Như anh trình bày ngay sau khi tai nạn xảy ra, công ty anh đã thông báo cho Đối tác, đã nhanh chóng tìm nguồn hàng thay thế cho đối tác nhưng do thời gian quá gấp nên vẫn không thể giao hàng đúng thời hạn được thì có thể coi là một sự kiện bất khả kháng. Do đó, trường hợp của công ty anh thuộc vào Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005, được miễn trách nhiệm do xảy ra sự kiện bất khả kháng nên sẽ không bị phạt vi phạm hợp đồng và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho siêu thị đối tác tại Nghệ An trong trường hợp này.

Ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho số hàng hoá bị hư hỏng?

Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển như sau:

“1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Công ty anh Dũng thuê một đơn vị trung gian để vận chuyển hàng hoá cho siêu thị đối tác tại Nghệ An. Lúc này, đơn vị vận chuyển phải bảo đảm nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá đầy đủ, an toàn, theo đúng thời hạn đến siêu thị. Nhưng trên đường vận chuyển thì lái xe của đơn vị vận chuyển mắc lỗi dẫn đến tai nạn và làm hư hỏng toàn bộ hàng hóa trên xe. Vì người lái xe là lao động của đơn vị vận chuyển và đang trong quá trình thực hiện công việc do đơn vị vận chuyển phân công. Nên hành vi gây tai nạn của lái xe được coi là lỗi của đơn vị vận chuyển và là nguyên nhân trực tiếp làm cho số hàng hoá bị hư hỏng, không thể giao cho siêu thị đối tác. Do đó, theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại 2005 và khoản 5 Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015 thì Công ty của anh Dũng có quyền yêu cầu đơn vị vận chuyển bồi thường thiệt hại cho số hàng hoá đã bị hư hỏng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425