Thừa kế sổ tiết kiệm của cha đã mất
*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản. Trước đó, cha mẹ bạn đã có thoả thuận số tiền 500 triệu đồng là tài sản riêng của cha bạn thì đây là tài sản riêng. Cha bạn mất không để lại di chúc, do đó, tài sản riêng do cha để lại sẽ được chia thừa kế theo quy định pháp luật về thừa kế. Theo thông tin anh Việt Anh cung cấp, có thể xác định những người thừa kế hàng thứ nhất của cha bạn là 4 người gồm mẹ anh và 3 anh chị em của anh. Đồng thời, hiện nay mẹ bạn đang bị mắc bệnh và không còn minh mẫn, không nhận thức được bình thường, không có khả năng tự sinh hoạt, như thế có thể là căn cứ để xem xét theo trường hợp mất năng lực hành vi dân sự; để xác định việc này, cần thực hiện thủ tục giám định tâm thần đối với mẹ anh. Như vậy, để có thể hưởng thừa kế đối với sổ tiết kiệm, là di sản do cha anh để lại, gia đình anh cần thực hiện các thủ tục dưới đây.
Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự
Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc mất năng lực hành vi dân sự:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện" . Theo thông tin anh Việt Anh cung cấp về tình trạng sức khỏe của mẹ anh hiện nay, có thể thấy mẹ anh hiện không còn minh mẫn. Trong khi đó, Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Cho nên, với tình trạng sức khỏe như vậy, giao dịch dân sự do mẹ anh thực hiện, cụ thể là khai nhận thừa kế với tư cách đồng thừa kế, có thể sẽ không có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, một người không đương nhiên bị cho là người mất năng lực hành vi dân sự trừ khi có quyết định của tòa án có thẩm quyền. Do đó, gia đình anh cần thực hiện thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố mẹ anh bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Trong quá trình tòa án giải quyết, gia đình anh có quyền thỏa thuận, đề xuất người giám hộ (có thể là 1 trong số 3 anh chị em của anh) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ anh. Khi có đầy đủ căn cứ, tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố mẹ bạn mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời trong quyết định, tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cùng những quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Lúc này người giám hộ sẽ thay mặt mẹ anh thực hiện các thủ tục thừa kế.
Thủ tục về thừa kế
Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các hàng thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Theo quy định trên, mẹ anh và 3 anh chị em của anh là các đồng thừa kế hàng thứ nhất của cha anh, sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau đối với số tiền 500 triệu đồng được gửi tại ngân hàng do cha anh để lại. Sau khi đã có quyết định của tòa án tuyên mẹ của anh mất năng lực hành vi dân sự và chỉ định người giám hộ cho mẹ anh, gia đình anh cần thực hiện thủ tục về thừa kế tại văn phòng công chứng theo 1 trong 2 hình thức, tùy vào lựa chọn, thỏa thuận của gia đình anh:
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: thực hiện trong trường hợp
các đồng thừa kế đều muốn nhận phần di sản thừa kế và yêu cầu công chứng việc phân chia di sản thừa kế cho mỗi người;
Văn bản khai nhận di sản thừa kế: thực hiện trong trường hợp các đồng thừa kế thỏa thuận để cho 1 người trong số họ nhận di sản.
Sau khi hoàn thành 1 trong 2 văn bản trên tại văn phòng công chứng, văn bản sẽ được văn phòng công chứng gửi đến UBND phường nơi cha anh cư trú trước khi qua đời để tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND phường trong thời hạn 15 ngày. Kết thúc thời hạn niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo gì, UBND phường sẽ xác nhận kết thúc việc niêm yết và gửi kết quả về lại văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng sẽ gửi kết quả cuối cùng cho gia đình anh.
Thủ tục tại ngân hàng
Sau khi có được văn bản phân chia di sản thừa kế đã được công chứng, tất cả những người thừa kế hoặc 1 người được những người còn lại ủy quyền (có văn bản ủy quyền lập tại công chứng hoặc UBND phường) mang theo sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân đến ngân hàng nơi cha anh gửi sổ tiết kiệm để làm thủ tục rút sổ tiết kiệm.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425