Tai nạn lao động: trách nhiệm và rủi ro đối với nhà thầu xây dựng
TNLĐ là gì?
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể, hoặc thậm chí có thể gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với công việc, nhiệm vụ lao động. TNLĐ có thể xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, hoặc ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại.
Theo quy định pháp luật, dựa trên mức độ thiệt hại cho người lao động, TNLĐ được phân thành ba loại như sau:
Một là, TNLĐ làm chết người bao gồm:
Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
Chết trên đường đi cấp cứu, hoặc trong thời gian cấp cứu;
Chết trong thời gian điều trị, chết do tái phát vết thương do TNLĐ gây ra theo kết luận của biên bản giám định pháp y;
Người lao động bị mất tích, và được tuyên bố đã chết theo phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Hai là, TNLĐ nặng khiến người lao động bị thương nặng bao gồm các trường hợp được quy định tại Phụ lục II, ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ.
Ba là, TNLĐ nhẹ khiến người lao động bị thương nhẹ, không thuộc hai trường hợp nêu trên.
Thực trạng TNLĐ tại nước ta thời gian qua
Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, chỉ tính năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ, tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021). Số này bao gồm cả ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Điều đáng nói, là tỷ lệ thất nghiệp, giảm giờ làm của lao động trong năm 2022 là rất cao nhưng số vụ và nạn nhân TNLĐ lại tăng cao. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hiện trạng rất đáng báo động. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người 720 vụ, giảm 29 vụ, tương ứng 3,87% so với năm 2021; số người chết vì TNLĐ 754 người, giảm 32 người; số người bị thương nặng 1.647 người, tăng 162 người. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; dịch vụ.
Đặc biệt, theo Thông báo số 1229/TB-LĐTBXH ngày 7-4-2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình TNLĐ năm 2022, đối với khu vực có quan hệ lao động, lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người, đứng thứ hai trong tất cả các lĩnh vực (chiếm 12,23% tổng số vụ tai nạn và 12.76% tổng số người chết). Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất là lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản khi chiếm tới 12,72% tổng số vụ và 12.82% tổng số người chết.
Nhà thầu xây dựng chịu những trách nhiệm gì đối với TNLĐ tại công trình?
Căn cứ Điều 38 Luật ATVSLĐ 2015, khi xảy ra TNLĐ tại công trình, để đảm bảo lợi ích cho người lao động, nhà thầu cần phải có trách nhiệm như sau:
Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị TNLĐ và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị TNLĐ;
Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ như sau:
Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
Trả đủ tiền lương cho người lao động bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
Bồi thường cho người lao động bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức như sau:
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ;
Trợ cấp cho người lao động bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật ATVSLĐ 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
Giới thiệu để người lao động bị TNLĐ được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị TNLĐ trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra TNLĐ công bố biên bản điều tra TNLĐ đối với các vụ TNLĐ chết người;
Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị TNLĐ sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
Lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;
Ngoài ra, căn cứ Khoản 1 Điều 39 Luật ATVSLĐ 2015, trong trường hợp người lao động bị TNLĐ khi đang thực hiện nhiệm vụ hoặc trong tình huống được điều hành bởi người sử dụng lao động ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hoặc hợp tác xã, và nếu tai nạn xảy ra do lỗi của một bên thứ ba hoặc không thể xác định rõ người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động.
Như vậy, theo các quy định vừa nêu, trách nhiệm của nhà thầu/người sử dụng lao động trong các trường hợp xảy ra TNLĐ đối với người lao động là rất lớn. Do đó, làm thế nào để giảm thiểu TNLĐ là điều rất cấp thiết trong hoạt động thi công xây dựng mà nhà thầu/doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần đặc biệt quan tâm.
Nguyên nhân nào dẫn đến TNLĐ tại các công trình xây dựng?
Theo số liệu thống kê, các công trình xây dựng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng. Việc xác định được những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ trong xây dựng giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể phòng tránh, giảm bớt các vụ tai nạn không đáng có. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như sau:
Sụp đổ kết cấu hoặc một bộ phận công trình. Nguyên nhân này sẽ thường khiến nhiều người tử vong vì mức độ nguy hiểm rất lớn.
Ngã từ trên cao xuống. Sự cố này thường xảy ra do sự bất cẩn của chính người lao động hoặc gặp phải những sự cố bất ngờ. Việc ngã từ trên cao xuống có thể khiến tử vong hoặc bị thương nặng.
Vật liệu, dụng cụ trên cao rơi vào người. Sự cố này thường xảy ra do sự bất cẩn của chính người lao động trong quá trình làm việc, di chuyển và sử dụng trang thiết bị, vật liệu trên cao dẫn đến gây hậu quả cho người bên dưới.
Đi lại, di chuyển vấp ngã, sa vào các hố hoặc ổ gà. Những nguyên nhân này thường do vô ý, bất cẩn, hậu quả tuy không quá nghiêm trọng nhưng vẫn có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả người lao động và người bên ngoài, nhất là trong những trường hợp không được che chắn, cảnh báo đầy đủ.
Bị bỏng do nhiệt hoặc do chất hóa học khi làm các công trình liên quan đến các chất này.
Tai nạn do điện giật. Khi con người dính phải dòng điện hở thì sẽ gây ra các vấn đề vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Máy móc bị hư hỏng. Các bộ phận, các chi tiết cấu tạo của máy bị biến dạng, cong vênh, méo móp, rạn nứt hoặc đứt gãy hoặc do thiết bị phanh bị dơ, mòn không còn khả năng hãm phanh tốt.
Do giàn giáo gãy, đổ. Nguyên nhân này thường khiến cho nạn nhân rơi từ trên cao xuống, có thể dẫn tới bị thương nặng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Không thực hiện đúng các quy định về bảo hộ lao động. Nguyên nhân này thường do sự chủ quan của các nạn nhân, gây ra những hậu quả không đáng có.
Do chiếu sáng không đầy đủ. Làm việc trong môi trường không được cung cấp ánh sáng đầy đủ vừa khiến năng suất làm việc không được hiệu quả, còn có thể gây ra những nguy hiểm do người lao động không thấy rõ.
Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra nguyên nhân không chỉ do các thiếu sót hoặc vi phạm điều lệ an toàn trong quá trình thi công, mà còn do thiếu sót về thiết kế, kết cấu, đặc biệt là trong thiết kế thi công.
Một số trường hợp do yếu tố khách quan như thời tiết, tác động của công trình lân cận…
Nhà thầu xây dựng cần có biện pháp gì để hạn chế rủi ro TNLĐ tại các công trình?
Để bảo vệ người lao động trước các yếu tố nguy hiểm trong lao động và hạn chế các rủi ro trong quá trình làm việc, cần thực hiện một số biện pháp như sau:
Xây dựng và thực hiện nghiêm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ; đồng thời có cơ chế giám sát, thưởng phạt minh bạch trong quá trình thực hiện;
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, huấn luyện kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ thường xuyên cho người lao động;
Cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc như: Tăng cường độ sáng cho khu vực làm việc, thi công; Điều khiển máy móc và hoạt động trong vùng an toàn; Trang bị đầy đủ các món đồ bảo hộ cần thiết; Lắp đặt đầy đủ và đảm bảo an toàn các vật dụng che chắn, cảnh báo…
Thực hiện tốt việc quản lý máy móc thiết bị: thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, kịp thời sửa chữa các thiết bị hư hỏng; trang bị máy móc thiết bị đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu công việc; sử dụng đúng chức năng máy móc; hướng dẫn và huấn luyện sử dụng đầy đủ trước khi vận hành.
Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn điện; tham gia các khóa huấn luyện do cơ quan chức năng tổ chức; tuyên truyền phổ biến và huấn luyện cho người lao động các biện pháp đảm bảo an toàn điện, an toàn cháy nổ;
Các biện pháp khác theo đặc thù sản xuất kinh doanh và tình hình của từng đơn vị.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425