TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Có phải nộp thuế khi nhận thừa kế từ bạn thân không?

Thứ hai, 05/02/2024 17:37
*Bạn đọc hỏi: anh Nguyễn Văn Tiến, ở TP Hội An (Quảng Nam) hỏi: Tôi có một người bạn chơi rất thân với nhau từ tấm bé. Vài tháng trước, vì bị bệnh hiểm nghèo nên bạn của tôi đã qua đời. Sau đó, tôi rất bất ngờ khi nghe mẹ của bạn thông báo rằng bạn có viết trong di chúc là để cho tôi được hưởng một phần nhà và đất tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) do bạn tôi đứng tên sở hữu. Gia đình bạn tôi không ai biết về bản di chúc này cho đến khi ra văn phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với nhà đất mà bạn để lại. Lúc này, văn phòng công chứng ở TP Tam Kỳ mới thông báo cho gia đình biết về bản di chúc của bạn. Vậy, cho tôi hỏi việc bạn tôi để cho tôi hưởng một phần di sản thừa kế có phù hợp với quy định pháp luật không? Khi tôi nhận phần thừa kế trên thì tôi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Nhiều người tin rằng, chỉ được lập di chúc để lại tài sản cho người thân trong gia đình. Thực tế đúng là đa phần người ta di chúc để lại tài sản cho người thân, nhưng cũng có trường hợp vì lý do đặc biệt nào đó, chẳng hạn như vì mối quan hệ ân nghĩa, có người đã để tài sản lại cho người không có huyết thống hoặc không có mối quan hệ gia đình với mình. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này thế nào?

Người lập di chúc có những quyền gì?

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có các quyền như sau:

“1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”.

Theo quy định trên, người lập di chúc có toàn quyền chỉ định người thừa kế theo ý nguyện của mình mà không phân biệt là người có quan hệ huyết thống hay không. Như vậy, việc bạn của anh Tiến lập di chúc để cho anh Tiến hưởng một phần di sản của mình là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Đồng thời, theo nội dung anh Tiến trình bày, bản di chúc của bạn anh được lập tại một Văn phòng công chứng, do Văn phòng công chứng lưu giữ và thông báo cho gia đình người bạn được biết. Như vậy, bản di chúc này là một trong các hình thức di chúc bằng văn bản hợp pháp theo quy định tại Điều 628 Bộ luật dân sự 2015:

“Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.

Anh Tiến có phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi nhận thừa kế từ bạn thân?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2012 và 2014, các khoản thu nhập sau đây không phải nộp thuế:

“Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau”.

Đồng thời, Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể là điểm c khoản 9 Điều 2 và điểm d khoản 1 Điều 3 có quy định cụ thể như sau:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

9. Thu nhập từ nhận thừa kế

Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:

c) Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.”

“Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế

1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:

d) Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.”

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp của anh Tiến không thuộc một trong các quan hệ kể trên, không thuộc đối tượng được miễn thuế. Do đó, khi anh Tiến nhận thừa kế một phần nhà đất từ di sản của bạn thân, anh Tiến sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.