“Hành trang” cho thượng đỉnh Nga-Mỹ

Thứ ba, 03/07/2018 09:49

Điện Kremlin khẳng định, vấn đề bán đảo Crimea – khu vực vốn sáp nhập về với Nga vào năm 2014 - là một phần không thể tách rời của nước này và không phải là chủ đề trong chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Donald Trump sắp tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) với người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau vào ngày 16-7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.   Ảnh: AP

Sau những cuộc gặp gỡ lịch sử giữa giới lãnh đạo Hàn-Triều, Mỹ-Triều, thế giới lại hồi hộp chờ đợi và hy vọng khi Tổng thống Mỹ và Nga đã xác nhận sẽ “ngồi lại với nhau” trong một hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 16-7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Cuộc gặp tại Phần Lan đánh dấu lần gặp nhau thứ ba của hai nhà lãnh đạo quyền lực Putin-Trump. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trò chuyện bên lề hội nghị G-20 ở Đức vào tháng 7-2017 và gặp nhau chớp nhoáng ở Việt Nam vào tháng 11-2017 để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, cả hai có cuộc gặp quan trọng chính thức với nhiều vấn đề cần giải quyết.    

Theo thông cáo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận quan hệ song phương và một loạt vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 2-7, Điện Kremlin khẳng định, vấn đề bán đảo Crimea - khu vực vốn sáp nhập về với Nga vào năm 2014 - là một phần không thể tách rời của nước này và không phải là chủ đề trong chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Donald Trump sắp tới. “Tổng thống Putin mở cửa tìm kiếm các thỏa thuận với ông Trump về tất cả các vấn đề khác”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp với các phóng viên.

Tạm gác qua vấn đề Crimea, giới phân tích cho rằng, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki sẽ là tương lai của Syria và việc Mỹ tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong cuộc chiến chống Iran. Xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của CBS News, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cho biết, cuộc gặp vào ngày 16-7 sẽ “chỉ có hai người họ” và có thể sẽ thảo luận về Syria cùng với “toàn bộ vấn đề liên quan”. Cố vấn Bolton cũng cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov có thể sẽ gặp gỡ để thảo luận về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng       đỉnh này.           

Ông Bolton cũng báo hiệu rằng, Tổng thống Trump cũng sẽ không nhấn mạnh đến vị thế của nhà lãnh đạo Syria Bashar Al-Assad, nhân vật mà Washington lâu nay vẫn buộc phải từ chức trong khuôn khổ tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. “Tôi không nghĩ ông Assad là vấn đề chiến lược. Tôi nghĩ Iran là vấn đề quan tâm số 1”, ông Bolton nói.

Hai nhà ngoại giao và một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CBS News rằng, Nhà Trắng dường như đã chấp nhận thực tế, Tổng thống Assad sẽ nắm quyền lực Assad cho đến trước cuộc bầu cử ở Syria năm 2021 ở Syria và vì vậy đã quyết định tập trung thuyết phục ông Putin cắt đứt quan hệ với đối tác chiến trường Iran. “Có khả năng, bàn đàm phán sẽ tập trung vào việc yêu cầu Nga giúp đỡ để “đẩy” lực lượng Iran ra khỏi Syria”, ông Bolton nói.

Chương trình nghị sự đầy tham vọng của ông Trump trong “cuộc gặp riêng biệt” với ông Putin đã khiến một số quan chức Mỹ lo ngại về khả năng nhượng bộ từ ông chủ Nhà Trắng khi hai người ở trong phòng hội đàm. Khi được hỏi sẽ có bao nhiêu người ở trong phòng, hoặc liệu ông Bolton có tham gia cuộc họp vào một thời điểm nào đó hay không, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết không có thông tin chi tiết. “Không ai biết Tổng thống Trump sẽ làm gì khi ông ở trong phòng riêng với nhà lãnh đạo Nga”, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết và nói thêm: “Đây là vấn đề của mọi vấn đề”.

Một số thành viên đội an ninh quốc gia của Tổng thống Trump tỏ ra lo ngại sau khi chứng kiến hội nghị căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác NATO hồi tuần trước. Không rõ Nga có được đòn bẩy hay khả năng “đẩy” Iran ra sao, thực tế thì Mỹ không có đòn bẩy riêng do sự hiện diện quân sự hạn chế ở Syria dưới thời ông Trump.

KHẢ ANH