Háo hức với “siêu dự án”
(Cadn.com.vn) - Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu của các Bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) thì cuối cùng “siêu dự án” khí điện miền Trung đã chính thức được Thủ tướng có Văn bản chấp thuận vào ngày 18-8-2016.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hồ hởi: “Đây là dự án lớn rất quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam – Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung, vì vậy đã có nhiều đoàn khảo sát từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư và cuối cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Văn bản số 1445/TTg-KTN chấp thuận quy hoạch địa điểm trung tâm khí điện miền Trung tại mỏ Cá Voi Xanh do Tập đoàn PVN và Exxon Mobil đầu tư. Đây là dự án mà tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã theo đuổi từ lâu, nhiều lần làm việc với nhà đầu tư, đại diện các Bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ để triển khai dự án”.
Đoàn lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn PVN khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy khí điện tại Quảng Ngãi đầu năm 2016. |
Theo quy hoạch, Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ được đầu tư xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh với tổng công suất 3.000MW, trong đó, 2 nhà máy xây tại xã Tam Quang, H. Núi Thành (Quảng Nam) với công suất 750MW và 2 nhà máy xây ở Khu kinh tế Dung Quất (thuộc xã Bình Thạnh, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) với công suất 750MW và trở thành trung tâm phát điện của cả khu vực miền Trung. Khu vực này nằm sát biển thuận lợi cho việc tiếp cận đường ống, cũng như kết nối ống dẫn dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để cung cấp dầu DO cho Trung tâm Khí điện miền Trung và đã được quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu, kho bể chứa.
Cũng bày tỏ vui mừng, ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, KKT Dung Quất được Chính phủ chọn làm địa điểm phát triển các dự án công nghiệp nặng gắn với hạ tầng sẵn có cảng biển nước sâu. Hệ thống hạ tầng sẵn có hệ thống giao thông thuận lợi, có kho vật tư, phụ tùng, nhà xưởng của nhà máy lọc dầu cùng với lực lượng sản xuất quy mô lớn tại chỗ là điều kiện thuận lợi để phát triển tổ hợp khí điện gắn với tổ hợp lọc hóa dầu để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia góp phần tạo động lực cho Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung phát triển đột phá.
Ông Minh cho biết thêm, mỏ khí Cá Voi Xanh được các chuyên gia ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3 và là mỏ lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Hiện nay, Quảng Ngãi đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ để phục vụ cho triển khai dự án. Điều quan trọng khi đưa vào khai thác, dự án sẽ cung cấp nguồn khí thiên nhiên quan trọng, sử dụng cho các nhu cầu phát điện, hóa dầu, đồng thời là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều công việc làm cho lao động trong khu vực.
Được biết, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai với tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó khoảng 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu. Trong khi đó, PVN sẽ đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD cho dự án này và doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; từ điện khoảng 30 tỷ USD, dự kiến đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 24 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 3.900 tỷ đồng mỗi năm.
“Điện khí là ngành công nghiệp sạch, gần như không phát thải khí nhà kính nên không ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, khi dự án điện - khí này đi vào hoạt động sẽ biến tổ hợp KKT Chu Lai - Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu - điện khí lớn nhất Việt Nam”, ông Đặng Văn Minh khẳng định.
Xuân Đương