Hậu phương lớn bên tiền tuyến anh hùng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ thủy chung son sắc giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Quảng Nam là mối quan hệ được các đồng chí lãnh đạo đương thời gọi là “hậu phương lớn bên tiền tuyến anh hùng”.
Hội nghị hai tỉnh kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam, chuẩn bị nội dung 60 năm kết nghĩa. |
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và việc ký kết Hiệp định Genève (20-7-1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Theo quy định của Hiệp định, miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam, trong đó có tỉnh Quảng Nam tạm thời do đối phương quản lý. Tuy nhiên, với âm mưu thâm độc của mình, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, thôn tính miền Nam Việt Nam.
Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để hoàn thành hai nhiệm vụ cách mạng đó, T.Ư Đảng đã chỉ đạo các tỉnh, thành miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành miền Nam tạo sức mạnh tổng hợp nhằm cổ vũ, động viên, giúp đỡ lẫn nhau.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 12-3-1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Sau đó, các huyện, thị lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa: Hội An- Thanh Hóa, Đại Lộc-Tĩnh Gia, Điện Bàn- Hoằng Hóa, Thăng Bình- Đông Sơn, Hòa Vang- Quảng Xương, Quế Sơn- Thọ Xuân, Tam Kỳ- Triệu Sơn, Duy Xuyên- Nông Cống, Nga Sơn- Tiên Phước.
Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã liên tục phát động các phong trào thi đua yêu nước, động viên cổ vũ toàn dân tham gia sôi nổi, như “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Phong trào 3 đảm đang, 3 sẵn sàng”, “Tuổi nhỏ, chí lớn làm việc anh hùng”... mỗi chiến thắng từ Quảng Nam đều cổ vũ tinh thần và là động lực thi đua của quân, dân Thanh Hóa trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Từ đó, các phong trào thi đua lao động sản xuất: “Thanh Hóa - Quảng Nam, Điện Biên - Đông Xuân quyết thắng”, “Thi đua làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, “Cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Thi đua ba giỏi”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã trở thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trên hậu phương Thanh Hóa.
Nhằm chia lửa với miền Nam và Quảng Nam ruột thịt, nhân dân Thanh Hóa cùng với nhân dân miền Bắc đã đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng lực lượng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Mặt khác, trong những năm 1965 - 1975, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng chục vạn thanh niên nam, nữ gia nhập bộ đội và thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường miền Nam. Đối với tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, tỉnh Thanh Hóa đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị như: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Bệnh xá 78... Ngoài việc cử con em trực tiếp vào chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, tỉnh Thanh Hóa còn cử nhiều cán bộ chính trị, quân sự khác vào tăng cường cho Quảng Nam. Tiêu biểu như các đồng chí Trịnh Đăng Bưởi- Tỉnh đội phó, Nguyễn Xuân Na- Trưởng ban sản xuất, Mai Văn Dậu- Phó trưởng Ban An ninh Quảng Đà... Đặc biệt, để góp thêm sức mạnh cho tiền tuyến, tháng 8-1967, tại chiến khu Ngọc Trạo, H. Thạch Thành, Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn được thành lập để chi viện cho chiến trường Quảng Nam kết nghĩa.
Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, quân và dân tỉnh Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng danh với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Tiêu biểu là trận chiến đấu oanh liệt ở Núi Thành – trận đầu diệt Mỹ. Tiếp sau là các trận đánh sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng Quảng Nam- Đà Nẵng, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt. Năm 2020 diễn ra sự kiện đặc biệt quan trọng giữa hai địa phương, là năm diễn ra sự kiện kỷ niệm 60 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa (1960 - 2020). Theo kế hoạch, hai địa phương sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm, cụ thể: Lễ kỷ niệm 60 năm kết nghĩa giữa Quảng Nam - Thanh Hóa sẽ được tổ chức vào ngày 3-3-2020 và được truyền hình trực tiếp. Song song đó, tại hai địa phương sẽ tổ chức các hoạt động như khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh Hóa hy sinh trên chiến trường Quảng Nam; triển lãm Thanh Hóa - Quảng Nam tại thành phố Thanh Hóa; tọa đàm Quảng Nam - Thanh Hóa 60 năm kết nghĩa, hợp tác và phát triển; tổ chức đoàn người có công với cách mạng tham quan, điều dưỡng tại tỉnh Thanh Hóa... Đây là hoạt động chính trị hết sức có ý nghĩa nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó của hai địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong phát triển kinh tế - xã hội thời hội nhập.
Kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam (12-3-1960 - 12-3-2020) là dịp để cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ hai tỉnh ôn lại những tình cảm keo sơn gắn bó, tô thắm thêm truyền thống kết nghĩa “Mối tình Thanh - Quảng nghìn thu không mờ”.
LÊ NĂNG ĐÔNG