Hậu quả thảm khốc từ vụ cháy rừng Amazon

Thứ hai, 26/08/2019 10:28

Rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đang bùng cháy với tốc độ cao nhất kể từ năm 2013. “Lá phổi của hành tinh” bị hủy hoại sẽ khiến loài người và Trái Đất phải chịu những hậu quả thảm khốc. Vụ việc này cũng đang làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt giữa Brazil và các nước trên thế giới.

Sử dụng lửa để dọn đất sau mùa vụ có thể là nguyên nhân gây ra cháy rừng tại Amazon. Ảnh: CNN

Rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon trải dài trên 8 quốc gia và chiếm 40% diện tích Nam Mỹ. Đây là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người cũng như một số lượng lớn động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư và bò sát, hầu hết trong số chúng đều rất quý hiếm. Rừng Amazon tạo ra khoảng 20% lượng o-xy của cả thế giới và thường được gọi là “lá phổi của hành tinh”. Cháy rừng Amazon đe dọa hệ sinh thái rừng nhiệt đới và ảnh hưởng đến toàn cầu. Kể từ đầu năm 2019, Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) đã báo cáo 72.843 vụ cháy ở nước này, với hơn một nửa trong số này xảy ra ở khu vực Amazon. Điều này có nghĩa là rừng nhiệt đới Amazon đang bị phá hủy mỗi phút, mỗi ngày. Theo phân tích dữ liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, trong 3 tháng qua, Brazil đã chứng kiến cháy rừng nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tuần này, báo chí đều đưa tin về cảnh tượng giật mình khi  màn khói dày đặc từ cháy rừng Amazon bay xa tới 3.200km phủ kín thành phố Sao Paulo của Brazil, khiến thành phố tối đen ngay giữa ban ngày.

Do con người gây ra?

Ông Christian Poirier, Giám đốc chương trình của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch, cho rằng, nông dân và các chủ trang trại gia súc từ lâu đã sử dụng lửa để dọn đất sau mùa vụ, và đây có thể là nguyên nhân gây ra vụ cháy lớn bất thường ở Amazon hiện nay.

Hỏa hoạn năm nay xảy ra theo cùng với mô hình nông nghiệp theo mùa. Nhà khí tượng học Haley Brink cho biết: “Đó là thời điểm tốt nhất để đốt vì thảm thực vật khô. Nông dân chờ đến mùa khô và họ bắt đầu đốt và dọn sạch các khu vực để gia súc của họ có thể chăn thả”. “Phần lớn các đám cháy này là do con người gây ra”, ông Poirier khẳng định, giải thích rằng ngay cả trong mùa khô, rừng mưa nhiệt đới không thể dễ dàng bắt lửa, không giống như các vùng rừng rậm khô ở California hoặc Australia.

Alberto Setzer, một nhà khoa học cao cấp tại INPE, cũng đồng ý với Poirier. Ông Setzer tin rằng, 99% các vụ hỏa hoạn là do hành động của con người “có chủ đích hoặc vô tình”. Theo ông Setzer, hỏa hoạn là do các hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ hoặc các dự án kinh doanh nông nghiệp cơ giới và hiện đại. Theo INPE, từ đầu năm đến nay nạn phá rừng đã tăng 80% so với năm ngoái. Phá rừng không chỉ giới hạn ở một quốc gia. Trên toàn cầu, đất sạch là cần thiết để mở rộng sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác, như chăn nuôi gia súc, sản xuất đậu nành và khai thác gỗ được ưa chuộng ở Brazil. Theo Nigel Sizer, nhà sinh thái rừng nhiệt đới, hiện là Giám đốc chương trình của Rainforest Alliance, “phá rừng chịu trách nhiệm cho 80%-90% sự mất mát của các khu rừng nhiệt đới trên toàn thế giới”.

Theo báo cáo của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, 20% diện tích quần xã Amazon rộng hơn, bao gồm không chỉ các khu rừng nhiệt đới mà các khu vực lân cận, đã bị mất đi do khai thác, canh tác, xây đập thủy điện và làm đường.

Hậu quả đáng sợ

Bà Robin Chazdon, Giáo sư tại Đại học Connecticut, nói: “Ảnh hưởng của phá rừng ở Amazon không chỉ gói gọn ở Amazon. Nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”. Giáo sư Chazdon cho biết còn có rủi ro hơn mà mọi người chưa nhận ra. Bà nói: “Có những hậu quả lớn đối với biến đổi khí hậu toàn cầu vì đám cháy thải ra carbon. Nếu các rừng mưa không được tái sinh hoặc trồng lại, rừng cũng sẽ không thể phục hồi khả năng hấp thu carbon”.

Những dải rừng mưa rộng lớn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái thế giới vì chúng hấp thu nhiệt thay vì phản chiếu trở lại bầu khí quyển. Rừng mưa cũng hút khí CO2 và nhả ra o-xy, đảm bảo thải ra ít carbon hơn và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với những đám cháy rừng dữ dội, nghiên cứu cho thấy có thể mất hơn một thế kỷ để hồi phục lại khả năng hút CO2 mà rừng đã mất đi. Bà Chazdon nói: “Rừng có thể mọc lại sau đám cháy nhưng sẽ không thể nếu cứ vài năm lại xảy ra cháy và nếu đất rừng bị biến thành đất nông nghiệp”.

Các nhà sinh thái khẳng định khi mất càng nhiều rừng, hậu quả càng đáng sợ. Cây rừng ở Amazon giúp đưa nước từ đất vào bầu khí quyển, tạo ra lượng mưa cần thiết cho các khu vực khác. Đa dạng sinh thái cũng sẽ mất đi và đây sẽ là thiệt hại nặng nề với hành tinh.

Ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại trên Twitter về tình trạng cháy rừng kỷ lục tại Amazon. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tỏ ra giận dữ với những hành động mà ông cho là “can thiệp” này. “Các quốc gia gửi tiền đến đây không phải vì mục đích từ thiện, mà họ có ý định can thiệp chủ quyền của chúng tôi”, ông Bolsonaro nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhóm môi trường cũng cáo buộc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro gây nguy hiểm cho rừng Amazon khi đã nới lỏng việc kiểm soát môi trường và khuyến khích nạn phá rừng. Được bầu vào tháng 10-2018, ông Bolsonaro thực hiện chiến dịch khôi phục nền kinh tế bằng cách khám phá tiềm năng kinh tế của Amazon. Kể từ khi đắc cử, ông Bolsonaro đã cắt giảm ngân sách của cơ quan thực thi môi trường quốc gia. Sau việc cắt giảm này, hoạt động của cơ quan này đã giảm xuống. Gần đây ông Bolsonaro đã đưa ra lời giải thích về các vụ rừng Amazon. “Chúng tôi cắt giảm tiền của các   tổ chức phi chính phủ. Họ đang cảm thấy khó khăn vì thiếu kinh phí, vì vậy, họ đang thực hiện các hành vi phạm pháp này để tạo ra bê bối chống lại tôi và chống lại chính phủ Brazil”.

Bất chấp những lời giải thích này, vụ cháy rừng tồi tệ ở Amazon đang phủ bóng hội nghị G7 tại Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ đưa vấn đề cháy rừng lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhấn mạnh một sự “diệt chủng sinh thái” đang diễn ra ở Amazon đòi hỏi phải có những phản ứng quốc tế. Trước đó cùng ngày, Pháp và Ireland đe dọa sẽ phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và nhóm Mercosur tập hợp các nước Brazil, Argentine, Uruguay và Paraguay nếu vụ cháy rừng không được giải quyết ổn thỏa. Thủ tướng Anh Boris Johnson, cũng đồng tình khi gọi vụ cháy rừng Amazon “không chỉ là một sự kiện đau lòng mà còn là một cuộc khủng hoảng quốc tế”.

AN BÌNH