Hãy trả lại một kỳ thi trong sạch, an toàn
Vụ gian lận thi cử tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang dù đã trôi qua gần một năm nhưng hiện vẫn còn rất "nóng". Thời điểm này, sau quá trình điều tra cơ quan chức năng đã xác định các bài thi được nâng điểm, những phụ huynh có liên quan, đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã có danh sách các thí sinh. Tuy nhiên, việc có nên công khai danh tính thí sinh và phụ huynh tham gia "mua" điểm hay không đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố với ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm. Ảnh: TTX |
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, kết quả chấm thẩm định các bài thi bị can thiệp cho thấy, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã có hơn 200 thí sinh được nâng điểm. Trong đó, tại Hòa Bình có 140 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi tự luận được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm. Tại Sơn La, có 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi tự luận được can thiệp nâng điểm. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm. Tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh được can thiệp nâng điểm, trong đó có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho ba bài thi.
Hiện danh sách thí sinh gian lận vẫn là một bí mật của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc không công khai danh sách thí sinh là thể hiện sự nhân văn, tránh cho thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý, tác động xã hội khi các em đang tuổi lớn. Không những thế, việc công khai sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, dễ bị mọi người kỳ thị vì các em cũng chỉ là "nạn nhân". Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách này để đảm bảo công bằng cho những thí sinh đã bị trượt đại học oan vì bị chiếm chỗ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy việc công khai là cần thiết, nên làm ngay.
Quay trở lại vụ nâng điểm xảy ra gần một năm về trước, khi mọi việc bị phát hiện đã gây nên một cú "sốc" lớn đối với cộng đồng, xã hội. Tất cả đều ngỡ ngàng khi một kỳ thi vô cùng quan trọng, quyết định đến tương lai của biết bao thế hệ học sinh, tạo nguồn nhân lực hiệu quả cho đất nước được tổ chức bài bản, khắt khe như vậy lại tồn tại rất nhiều tiêu cực. Vụ việc khiến tất cả phải nhìn bộ mặt giáo dục bằng ánh mắt đầy hoài nghi, liệu rằng môi trường giáo dục trong sạch, an toàn có còn tồn tại? Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ GD&ĐT cùng cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc điều tra, nhiều cán bộ trong ngành giáo dục liên quan đến đường dây nâng điểm lần lượt bị khởi tố. Song, đến nay, việc chưa công khai danh tính các thí sinh cũng như xử lý phụ huynh có liên quan đang gây nhiều tranh cãi. Kết quả điều tra cho thấy, những "thủ khoa rơm" ấy đều là con của nhiều cán bộ lãnh đạo và doanh nghiệp. Việc có công khai hay không đang được Bộ GD&ĐT cân nhắc.
Nhìn một cách khái quát về vấn đề có thể nhận thấy, ngành giáo dục đang có một "lỗ hổng" lớn khó có thể vá lấp, đó là lỗ hổng của niềm tin. Một khi niềm tin của mọi người vào sự nghiệp giáo dục không còn lớn, đó là một thảm họa. Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy nữa là, chính vụ gian lận thi cử có tổ chức gây chấn động dư luận đã để lại những tổn thương lớn trong lòng những thí sinh trung thực, trực tiếp tham gia kỳ thi THPT vừa qua. Lý ra, với những điểm số chân thật, bằng học thức, năng lực cùng những cố gắng, rèn giũa bao năm qua có được, những thí sinh ấy đã đỗ vào những ngôi trường danh tiếng, đúng với ước mơ, hoài bão của mình. Ấy vậy mà, vì tiêu cực, vì thủ đoạn dơ bẩn với hình thức "mua" điểm nhiều thí sinh đành ngấn lệ nhường suất học cho những "thủ khoa rơm". Đến khi mọi việc bị phanh phui thì cơ hội cũng đã đi qua, nếu muốn tiếp tục theo đuổi hoài bão những thí sinh này có thể chờ đợi thi lại một lần nữa trong kỳ thi sắp tới. Nhưng, liệu ai dám chắc chắn rằng, môi trường thi cử đã được trả lại an toàn, trong sạch?
Nhiều chuyên gia nghiên cứu giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc đối xử nhân đạo với những tiêu cực trong vụ gian lận ấy là không đối xử nhân đạo với nạn nhân. Bởi, đó là sự không công bằng. Chỉ có xử lý mạnh tay, quyết liệt, không nương nhẹ, đúng người đúng tội mới là chính sách nhân đạo cần hướng đến. Nói thẳng ra, nếu chỉ xử lý những cán bộ trực tiếp nâng điểm cho các thí sinh mà không truy trách nhiệm của phụ huynh, học sinh thì chúng ta đang chấp nhận văn hóa dối trá. Vì chính những phụ huynh đó cũng đã góp phần tạo ra một đường dây dối trá. Nhiều học sinh biết năng lực mình có hạn nhưng vẫn chấp nhận với danh hiệu thủ khoa, rồi hăng hái làm các thủ tục nhập học như những thí sinh chân chính đã là dối trá…
Trước những tranh cãi trên, điều mà dư luận quan tâm bây giờ là kỳ thi THPT 2019 sắp đến phải làm thế nào để đảm bảo được một kỳ thi không có "sạn", một kỳ thi thật sự đúng nghĩa. Riêng về những bê bối, tai tiếng trong kỳ thi trước, bằng cách nào đó, cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT phải sớm có phương án xử lý thật nghiêm minh, đủ sức răn đe, làm gương cho những cá nhân, tổ chức đang manh nha những ý định gian lận, làm vẩn đục đi bộ mặt giáo dục. Và, hãy trả lại cho học sinh, phụ huynh một kỳ thi trong sạch, an toàn.
Thành Danh