Hè của những đứa trẻ bán dạo
1. Tôi "chộ" đứa trẻ ấy 3 lần ở chợ Đống Đa. Hai lần đầu, phần bận trả giá, phần chợ đông đúc, nóng nực, nên khi nó kèo nài mời mua tấm vé số duy nhất đang cầm trên tay, tôi mua giúp rồi vội vã quay đi. Đến lần thứ ba, lại bị nó "mời" mua vé số, tôi tò mò quan sát: nó tầm 5- 6 tuổi, gương mặt vui vẻ. Cũng như lần trước, trên tay nó chỉ có duy nhất 1 tờ vé số. Động lòng trắc ẩn, tôi lại mua giúp. Chưa kịp hỏi nhà ở đâu, gia cảnh ra sao mà mới ngần đó tuổi đã đi bán vé số mưu sinh thì nó chạy về phía người phụ nữ có vóc người nhỏ bé, gương mặt mệt mỏi đứng cách đó không xa. Đến bên người phụ nữ này, nó ngây thơ, ríu rít hỏi: "Mẹ ơi! Sao mẹ không mời mà bảo con đi mời mua vé số hả mẹ?". Người phụ nữ chợt lúng túng, xấu hổ kéo tay nó đi chỗ khác, vừa đi vừa khẽ giải thích: "Vì con mời người ta thấy tội sẽ mua ngay. Mẹ mời ít người mua lắm, bán lâu hết". Dù không hiểu lắm lời giải thích ấy, nhưng cảm thấy vui vì giúp được mẹ trong việc bán vé số nên nó vui vẻ nhảy chân sáo đi tiếp qua các dãy hàng khác mời chào khách. Đánh vào tình thương, lòng trắc ẩn của người mua thông qua con trẻ, chuyện ấy tôi chứng kiến hoài. Nhưng không hiểu sao, khi nghe lời giải thích của người mẹ với đứa con gái bé bỏng, tôi thấy chạnh lòng. Có lẽ người mẹ ấy cũng cảm thấy có lỗi với con trẻ, nhưng cuộc mưu sinh nghiệt ngã, hoàn cảnh khốn khó khiến chị chẳng đặng đừng làm cái điều mình không muốn. Tôi tin thế!
Năn nỉ nhưng khách không mua kẹo, một cháu bé vò đầu...buồn bã. Ảnh: P.T |
2. Mới đây, khi đứng trước điểm thi Trường THCS Trưng Vương chờ thí sinh kết thúc giờ làm bài kỳ thi THPT Quốc gia để hỏi chuyện, tôi gặp một cậu bé bán kẹo dạo lém lỉnh, già dặn so với tuổi. Cậu bé trạc 11-12 tuổi, ăn mặc rất lịch sự với chiếc áo pull sọc ngang, quần jean lửng. Trông cách ăn mặc, chẳng ai có thể đoán được gia cảnh cậu bé thế nào. Nghe giọng nó lơ lớ, tôi hỏi: "Quê con ở đâu mà nói giọng này?". "Thanh Hóa! Nhưng vào đây thì phải giả giọng ở đây, nói giọng quê con có người nghe không rõ". Mặc dù tôi từ chối cho biết không thích ăn kẹo, nhưng thằng bé vẫn cứ nằn nì: "Cô không ăn thì mua cho con cô. Lát anh chị ấy thi ra, cô đưa cho anh chị ấy ăn". Thấy nó cũng vui vẻ, xởi lởi, tôi thật lòng giải thích đang đi tác nghiệp, không phải đứng chờ đón con. Nghe vậy, nó liền bĩu môi, đổi giọng: "Cô không mua thì thôi, bày đặc nói xạo đang đi làm việc. Ai đứng đây đều không phải là phụ huynh đưa đón con, cháu đi thi?". Chưa kịp phản ứng trước câu nói này thì nó đã bỏ đi sang chỗ khác mời khách mua kẹo. Định đi theo để hỏi chuyện, nhưng nhớ đến câu nói và ánh mắt đầy vẻ giận dỗi của nó, tôi lại thôi! Trong số nhiều đứa trẻ tôi gặp, có đứa đáng yêu, cũng có đứa lì lợm, già dặn... đến đáng ngại. Cuộc mưu sinh trên đường phố đã "dạy" chúng thế. Tôi không trách, chỉ thấy thương khi chúng chẳng có được một tuổi thơ và mùa hè đúng nghĩa. Với chúng, mùa hè là những ngày lang thang trên phố, hết quán ăn này đến góc chợ nọ để mời khách mua cho bằng được tấm vé số, một gói kẹo, gói lạc rang.
3. Bạn tôi là phóng viên công tác ở một tờ báo phía nam mới đây có gửi một đường link bài viết "Đúng, sai" của tác giả Hương Cần kể về nguyên nhân khiến cô không thể hoàn thành 2 đề tài đăng ký về "những người mẹ làm biếng" khi đẩy con đi bán vé số và đề tài về "bóc lột sức lao động trẻ em". Kết thúc bài viết ấy, Hương Cần cho biết, tới giờ cô cũng không biết mình đã đúng hay sai khi không hoàn thành 2 đề tài đó. Bạn tôi viết lời bình dưới bài viết này: "Cảm ơn Hương Cần đã nói hộ lòng mình. Có những bài báo không thể viết được nhưng nhớ hoài". Không hiểu sao khi nhìn bọn trẻ tung tăng theo mẹ hoặc tự một mình đi bán dạo giữa ngày hè nóng bức, tôi lại nhớ đến bài viết "Đúng, sai" của Hương Cần. Chợt thấy nhoi nhói!
Tạp bút: Khánh Yên