Hệ quả của sự chia rẽ

Thứ hai, 27/06/2016 08:49

(Cadn.com.vn) - Cử tri Tây Ban Nha lại đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần hai được tổ chức vào ngày 26-6, để chọn ra một chính phủ điều hành mới, chỉ 6 tháng kể từ sau cuộc bầu cử lần 1 không thành công.

Việc tổ chức bầu cử lại chưa có tiền lệ như thế này trong lịch sử Tây Ban Nha diễn ra sau khi các đảng phái chính trị trong Quốc hội hồi cuối tháng 10-2015 không thể quyết định được phe nào trong số họ sẽ nắm quyền lực. Đó được cho là một thất bại lớn của nền chính trị Tây Ban Nha, mà căn nguyên được cho là do sự chia rẽ ở trong nước đang bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc bầu cử cũng diễn ra chỉ 3 ngày sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - Brexit, gieo thêm một gánh nặng lớn trên vai các nhà lãnh đạo liên minh này.

Hơn 36 triệu cử tri Tây Ban Nha tham gia bỏ phiếu, để có thể bày tỏ việc liệu họ muốn sự thay đổi hoàn toàn như cam kết của liên minh cực tả do đảng cánh tả Podemos dẫn đầu, hay sự ổn định và an toàn như cam kết của đảng Nhân dân cầm quyền có tư tưởng bảo thủ. Đây được xem là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Tây Ban Nha và chứng kiến sự đối đầu giữa thế hệ đi trước có xu hướng ủng hộ các đảng có truyền thống như đảng Nhân dân và thế hệ trẻ chủ yếu ủng hộ đảng Podemos và đảng Ciudadanos.

Trên thực tế, sau 4 năm nắm quyền, đảng Nhân dân cầm quyền đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 12-2015. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đảng này lại không có đủ số nghị sĩ cần thiết tại Quốc hội để thiết lập thế đa số giống như đã có trước đó. Theo đó, đảng này chỉ giành được 121 ghế trong tổng số 350 ghế trong Quốc hội, thấp hơn nhiều so với 176 ghế cần thiết để đạt đa số phiếu tuyệt đối, và giảm so với 186 ghế trong Quốc hội sắp mãn nhiệm.

Ông Mariano Rajoy, lãnh đạo và thủ tướng đương nhiệm của đảng, không có được đủ sự ủng hộ từ các đảng đối thủ để hình thành một chính phủ thiểu số hoặc chính phủ liên minh. Các cuộc đàm phán giữa các bên kéo dài trong nhiều tháng qua nhưng cuối cùng vẫn bế tắc khi không đảng nào muốn bắt tay với đảng Nhân dân. Đây là điều không có gì bất ngờ bởi không giống như các quốc gia khác ở Châu Âu, Tây Ban Nha chưa bao giờ có một chính phủ liên minh.

Tây Ban Nha vẫn còn mang những vết sẹo của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Chính phủ nước này cắt giảm ưu tiên chăm sóc y tế và giáo dục cộng đồng. Hiện nay, uy tín của đảng Nhân dân cầm quyền giảm sút do việc không thể thành lập một chính phủ, ảnh hưởng từ các vụ bê bối tham nhũng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp dù đang được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao thứ hai trong EU (20%), chỉ sau Hy Lạp.

Có thể, cử tri cuối cùng sẽ giúp kết thúc 6 tháng chìm trong tình trạng tê liệt chính trị. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, dù tổ chức bầu cử lần hai, lá phiếu mới cũng sẽ không giúp phá vỡ bế tắc chính trị ở quốc gia Châu Âu này. Các cuộc thăm dò cho thấy, kịch bản cũ vẫn lặp lại. Đảng Nhân dân một lần nữa sẽ giành chiến thắng nhưng không thể chiếm thế đa số tại Quốc hội. Và Tây Ban Nha tiếp tục rơi vào tình trạng lấp lửng.

Người dân Tây Ban Nha chờ đợi vào sự can thiệp của Vua Felipe VI - người sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo chính trị để tìm kiếm một ứng viên để thành lập chính phủ.

Thanh Văn