Hệ quả dây chuyền
(Cadn.com.vn) - Băng giá trong mối quan hệ Nga-Mỹ nổi lên sau vụ bê bối Snowden đang làm dấy lên lo ngại sẽ che mờ triển vọng đàm phán giải trừ quân bị của Washington và cả Moscow.
Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Barack Obama luôn nỗ lực biến việc giải trừ quân bị thành nền tảng sáng chói trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhưng nhiều điểm mấu chốt nằm bên sân Moscow. Trong một thông điệp lớn gửi đến Điện Kremlin hồi tháng 6, ông Obama kêu gọi Nga cùng nhau làm giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân xuống còn 1/3, tức mỗi bên cắt giảm 1.000 đầu đạn.
“Đây là những bước đi quan trọng để tạo ra một thế giới hòa bình và công lý”, ông chủ Nhà Trắng nói trong bài diễn văn lịch sử tại Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin trong chuyến thăm chính thức đến Đức đầu tiên trên cương vị Tổng thống hồi tháng 6. Trong khi mọi nỗ lực chưa đi đến đâu thì mối quan hệ Nga – Mỹ lại trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, hy vọng không vì thế mà tắt lịm. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov vừa trả lời báo giới cho biết, vụ Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo phanh phui hoạt động giám sát thư điện tử của tình báo Mỹ, không gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về phòng thủ tên lửa.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề trên, ông Antonov nói: “Tôi không cảm thấy vấn đề Snowden ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về phòng thủ tên lửa”. Theo ông, khi đại diện của Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga gặp nhau, họ sẽ không làm chính trị mà chỉ thảo luận các khía cạnh kỹ thuật-quân sự của vấn đề, dù đó là vấn đề phòng thủ tên lửa hay kiểm soát vũ khí không thường của các lực lượng ở Châu Âu.
Đó chỉ là ý kiến của một cá nhân hay là chính sách chính thức của Moscow? Không hiểu có nên hy vọng bàn đàm phán giải trừ quân bị sẽ thành công hay không?
Thanh Văn