“Hiến kế” cho ngành Y (Bài cuối: Phải xã hội hóa công tác y tế)

Thứ bảy, 16/09/2017 10:13

Xã hội hóa công tác y tế, cụ thể là quan tâm đúng mức hơn nữa quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập (y tế tư nhân) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Ông Trần Đình Liễn: "Đề bài" quy hoạch do UBND thành phố giao như vậy thì chưa toàn diện".

Ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQVN thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các hội VH-NT Đà Nẵng nhìn nhận: "Tuy đang bàn về quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố nhưng cần quan tâm đúng mức hơn nữa quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập. "Mặc dù trong dự thảo đề án, Sở Y tế có đề cập đến lĩnh vực y tế tư nhân, đến các bệnh viện ngoài công lập, đến yêu cầu xã hội hóa ngành y tế, thậm chí xã hội hóa ngay trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhưng còn quá chung, chưa cung cấp được những dữ liệu cần thiết cho quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập", ông Tiếng nói.

Ông Tiếng đặt câu hỏi: Có đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập nào hoạt động trên lĩnh vực dự phòng không? Hay có đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập nào hoạt động trên lĩnh vực điều trị chuyên khoa không? Và quan trọng hơn là ở hai lĩnh vực vừa nêu có khả năng phát triển ở khu vực ngoài công lập không hay chỉ có khả năng phát triển ở khu vực công lập? Và như vậy có nên tính đến việc giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với những lĩnh vực có khả năng phát triển ở khu vực ngoài công lập để ưu tiên đầu tư đối với những lĩnh vực chỉ có khả năng phát triển ở khu vực công lập?

Ông Trần Đình Liễn, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm HĐTV Kinh tế - Môi trường Ủy Ban MTTQVN thành phố cho rằng, qua nghiên cứu, bản Đề án quy hoạch của Sở Y tế đã có cái nhìn về thực trạng và đặc biệt là mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ được phát triển theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phòng ngừa, chăm sóc, chữa bệnh của nhân dân và phục vụ phát triển KT-XH của thành phố. Đặt niềm tin vào tương lai phát triển về dịch vụ y tế của thành phố, song ông Liễn cũng cho biết có một số băn khoăn về một số nội dung được trình bày trong đề án.

Cụ thể theo ông Liễn, Sở Y tế là cơ quan chuyên môn giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế trên địa bàn bao gồm các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và ngoài công lập. Cả hai hệ công lập và ngoài công lập này đang có những đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài thành phố. "Tuy nhiên, bản quy hoạch này chỉ đề cập đến quy hoạch các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nên đó sẽ là một thiếu sót. Nếu "đề bài" quy hoạch do UBND thành phố giao như vậy thì chưa toàn diện, còn thiếu sót một mảng lớn quan trọng. Bởi trong chừng mực nào đó, chính đơn vị sự nghiệp y tế ngoài công lập đang có tác động mạnh đến hệ công lập (đang thu hút bác sĩ giỏi về các bệnh viện tư- P.V), đang chia sẻ với bệnh viện công nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu và chính bệnh viện tư đang tạo điều kiện để các bác sĩ giỏi đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe có điều kiện tiếp tục đóng góp cho xã hội", ông Liễn phân tích. Theo ông, "đề bài" quy hoạch ngành y tế thành phố nên là "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030".

PGS, TS, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, tùy theo cách suy nghĩ để chọn lựa cách đặt vấn đề xây dựng đề án. Do sự cẩn trọng hoặc chưa muốn bao quát hết vấn đề, nên đề án chỉ khu trú vào "Quy hoạch mạng lưới y tế công lập"?. Mặc dù vậy, trong phần đánh giá thực trạng, tổ chức và hoạt động, đề án cũng đã điểm qua một số nét của y tế tư nhân trong khám chữa bệnh, và y tế của các bộ, ngành hoạt động trên địa bàn thành phố.

PGS,TS Nguyễn Ngọc Minh: "Bỏ qua quy hoạch cả mạng lưới y tế tư nhân sẽ phiến diện!".

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Minh, nếu đủ thời gian và đủ các số liệu, đủ sự bao quát thì đề án này có thể đánh giá tổng thể "Quy hoạch mạng lưới y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng" sẽ đầy đủ hơn vì có thể đánh giá một cách toàn diện, có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, có ý nghĩa sử dụng sức mạnh tổng hợp trong các chính sách của Đảng và Nhà nước về "đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công", "về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục - dạy nghề - y tế - văn hóa - thể thao - môi trường", về "đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020"... "Các chủ trương chính sách này không chỉ một mình y tế công lập giải quyết, vì vậy phải có định hướng, chủ trương, qui hoạch cả mạng lưới y tế tư nhân (hay doanh nghiệp) phục vụ cho sự nghiệp phát triển y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bỏ qua quy hoạch cả mạng lưới y tế tư nhân sẽ phiến diện!", ông Minh nhìn nhận.

Đồng quan điểm nêu trên, bác sỹ Chuyên khoa II Đoàn Võ Thị Kim Ánh cho rằng xã hội hóa công tác y tế, đặc biệt tăng cường hệ thống y tế tư nhân để bệnh nhân ngoài thành phố có điều kiện vào điều trị tại bệnh viện tư nhân, góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến thành phố và bệnh nhân có điều kiện tại thành phố vào điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân...

Các đề xuất, hiến kế trên đây của các chuyên gia, nhà khoa học với mục đích cuối cùng là muốn chia sẻ, đồng hành với ngành Y tế Đà Nẵng. Có thể có những ý kiến, đề xuất quá sức, quá thẩm quyền, khá gai góc và khó khả thi, nhưng đây là vấn đề không chỉ của riêng ngành Y tế mà của các cấp chính quyền thành phố. Nên chăng, qua các ý kiến này, ngành y tế nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung cần tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng, bộ, ngành liên quan để cùng giải quyết nếu thấy hợp lý, góp phần đưa y tế thành phố phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

D.HÙNG