Hiến pháp đã thể hiện rõ quyền con người

Thứ sáu, 29/11/2013 00:04

(Cadn.com.vn) - Sáng 28-11, bên lề kỳ họp, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trả lời phỏng vấn của phóng viên về một số nội dung liên quan đến Hiến pháp (sửa đổi).

Theo ông Uông Chu Lưu, sự kiện QH thông qua Hiến pháp lần này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa được Cương lĩnh của Đảng trên cơ sở phát huy dân chủ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như đề cao quyền con người và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đặc biệt, bản Hiến pháp đã phân định rõ được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp so với Hiến pháp 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, điểm mới trong bản Hiến pháp lần này được đánh giá là vấn đề về quyền con người.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu trả lời báo giới sáng 28-11.

Trước đây, Chương V của Hiến pháp năm 1992 chỉ nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng Hiến pháp (sửa đổi) đã đề cập vấn đề quyền con người và đưa Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân” lên ngay sau Chương “Chế độ chính trị”, đặt ở Chương II của Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).

Ông Mai Mộng Tưởng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc QH thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất quan trọng vì liên quan đến cả vận mệnh và truyền thống của dân tộc. Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhìn lại tổng quát lịch sử thì vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện rất rõ, đó là tổ chức duy nhất đã lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử không thể chối cãi, mà ngược lại là phải tôn trọng và tiếp tục đề cao vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Bố cục của Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng đã thể hiện tầm quan trọng của Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân”.

Tên Chương cũng đã có sự thay đổi, trước đây là “Quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân” nay là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân”, để khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên tham gia ký Công ước.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc chính thức thông qua Hiến pháp (sửa đổi) là thành quả của hơn 30 năm đổi mới và phát triển của đất nước ta.

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp, ĐB Nguyễn Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá việc QH thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao hơn 97% đã chứng tỏ sự đồng thuận, nhất trí rất cao trong các đại biểu Quốc hội.

ĐB Trần Ngọc Vinh tâm đắc với những điểm mới nổi bật trong Hiến pháp lần này, đó là về quyền con người được quan tâm và chú trọng bảo vệ, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

P.V (ghi)