Hiệp định thương mại Mỹ - Anh hậu Brexit: Đâu phải chuyện dễ
London và Washington đã sẵn sàng “xé nhỏ từng phần” mọi vấn đề nhằm đẩy nhanh quá trình đi đến một hiệp định thương mại thời hậu Brexit (Anh rời EU) trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đã nói rằng Brexit phải được chuyển giao bằng mọi cách, với hạn chót vào ngày 31-10.
Người dân Anh vẫn bị chia rẽ gay gắt trong vấn đề Brexit. Ảnh: AFP |
Nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận
Giới chuyên gia cho biết, Anh và Mỹ thật sự đang nỗ lực hướng đến khả năng ký kết một hiệp định tự do thương mại song phương thời hậu Brexit.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ ngày 14-8 xác nhận, London và Washington đang thảo luận về một hiệp định thương mại từng phần mà có thể có hiệu lực kể từ ngày 1-11 tới, chỉ 1 ngày sau khi Anh phải rời khỏi EU. Quan chức trên cũng tiết lộ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang ở thăm London cùng với Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã thảo luận về triển vọng việc lãnh đạo hai nước ký kết một tuyên bố về lộ trình của một thỏa thuận thương mại tại hội nghị thượng đỉnh Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp trong tháng 8 này.
Theo ông Bolton, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn giúp ích trong vấn đề Brexit và sẵn sàng thúc đẩy nhanh chóng một hiệp định thương mại giữa hai nước. “Chúng tôi ước rằng có thể tiến xa hơn trong vấn đề này với chính phủ trước đó của Anh”, ông nói thêm, trong động thái rõ ràng ngầm chỉ trích chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May.
Ông Bolton phát biểu như vậy trong cuộc gặp người kế nhiệm của bà May, Thủ tướng Boris Johnson. Vấn đề Iran cũng có mặt trong chương trình nghị sự trong các cuộc thảo luận cấp cao, khi cả hai nói về bế tắc leo thang ở Vùng Vịnh. Họ cũng nói về các mối quan tâm khác, bao gồm cả quyết định của Anh về việc có nên sử dụng Huawei để giúp xây dựng mạng 5G hay không. Nhưng ông Bolton cho biết những vấn đề này không khẩn cấp bằng thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit. “Thông điệp tôi muốn truyền tải là về Iran, về một số vấn đề khác bao gồm Trung Quốc, 5G, Huawei... nhưng điều quan trọng là trong những ngày tới chính phủ Anh có một trọng tâm duy nhất là Brexit”, ông nhấn mạnh.
Anh sẽ ra sao?
Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 và ông Johnson đảm bảo rằng, điều này sẽ xảy ra, có hoặc không có thỏa thuận. London sau đó sẽ được tự do tấn công các giao dịch thương mại ở nơi khác.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc này sẽ không dễ dàng như vậy trong khi thời hạn 31-10 đang đến gần, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Anh lần đầu trải qua cú sốc tiền Brexit. Kinh tế nước này đã suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2012 trong quý II-2019, một dư âm nặng nề sau khi dự trữ tăng vọt hồi đầu năm và là điềm báo không tốt trong bối cảnh Thủ tướng Johnson đang đẩy mạnh cho việc rời EU. Đồng bảng Anh mất giá và cổ phiếu bị bán tháo sau khi số liệu cho thấy sản lượng của nền kinh tế thứ 5 thế giới này có tỷ lệ hàng quý giảm 0,2% trong quý II, dưới mức dự đoán trước đó của các nhà kinh tế học trong một cuộc điều tra của Reuters.
Với việc chính phủ của Thủ tướng Johnson sẵn sàng rời EU vào ngày 31-10 bất kể liệu ông có thể đạt được một thỏa thuận quá độ nhằm tránh tình trạng trì trệ thương mại hay không, triển vọng nửa sau năm 2019 vẫn không rõ ràng. Nhà kinh tế học kỳ cựu Mike Jakeman của Cty kiểm toán PwC cho hay: “Không nghi ngờ gì nữa... kể cả dữ liệu có tính không ổn định, nền kinh tế rõ ràng là đang trì trệ”. Ông Jakeman cũng cho rằng, khủng hoảng Brexit và viễn cảnh bất ổn toàn cầu sẽ khiến kinh tế Anh “đứng ngồi không yên” trong quý III. Tăng trưởng hàng năm chỉ tính riêng tháng 6 của Anh là mức thấp nhất từ sau mức 1% của tháng 8-2013.
KHẢ ANH