Hiệu quả bước đầu của các mô hình học tập

Thứ năm, 23/07/2015 06:39

(Cadn.com.vn) - Chiều 22-7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết thí điểm các mô hình học tập giai đoạn 2014-2015.

BẮT ĐẦU TỪ GIA ĐÌNH, TỘC HỌ

Trên cơ sở Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 281) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng đã sớm thành lập Ban chỉ đạo Chống mù chữ, Phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập (CMC-PCGD&XDXHHT). BCĐ TP đã chọn Q. Sơn Trà và H. Hòa Vang làm thí điểm; mỗi quận, huyện chọn 2 xã, phường làm thí điểm.

Trên cơ sở đó, Hội Khuyến học các quận, huyện đã phối hợp với Phòng GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ tại chỗ về chọn mô hình thí điểm, về tiêu chí đánh giá các mô hình; đồng thời chỉ đạo các Chi hội Khuyến học xã, phường, các cơ sở giáo dục tại địa phương phối hợp với UBND các xã, phường triển khai đến các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị được chọn làm thí điểm.

Tuy mỗi địa phương đều có những đặc điểm riêng nhưng bước đầu đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Q. Thanh Khê triển khai sớm nhất trên địa bàn 10/10 phường với đủ 4 loại mô hình. Q. Sơn Trà được sự đồng thuận của nhân dân nên số mô hình Gia đình học tập (GĐHT) đăng ký nhiều. Q. Liên Chiểu có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng mô hình học tập ở tộc họ và cơ sở tôn giáo.

Trong khi đó, Q. Hải Châu chỉ triển khai thực hiện thí điểm ở 2/13 phường nhưng đã chọn mô hình cộng đồng học tập ở khu dân cư thay vì tổ dân phố. Q. Ngũ Hành Sơn tuy có những khó khăn do sự thay đổi nhân sự của Hội Khuyến học nhưng vẫn triển khai ở 4/4 phường với đủ 4 loại mô hình.

Ngược lại, Q. Cẩm Lệ triển khai thực hiện thí điểm tại tất cả các phường với số lượng lớn gia đình đăng ký tham gia thí điểm mô hình GĐHT. Riêng H. Hòa Vang dù BCĐ Đề án 281 đã triển khai kế hoạch đến cán bộ chủ chốt của huyện và các xã nhưng cũng chỉ dừng lại chọn 2/11 xã có nhiều thuận lợi để thí điểm.

Dù việc thực hiện thí điểm các mô hình học tập chỉ mới đi qua một chặng đường ngắn nhưng kết quả đánh giá thí điểm các mô hình học tập ở TP Đà Nẵng cho thấy phần lớn các gia đình, dòng họ, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị tham gia thí điểm đều đạt số điểm để được công nhận các danh hiệu của mô hình học tập theo bộ tiêu chí của T.Ư ban hành thí điểm.

Đến nay, toàn thành phố có 7.597/7.861 gia đình tham gia thí điểm đạt tiêu chí GĐHT (96,6%); 50 dòng họ đạt tiêu chí dòng họ học tập (DHHT) (98%); 87 thôn, tổ dân phố và khu dân cư đạt tiêu chí cộng đồng học tập (CĐHT) (92,5%); 58/58 đơn vị đạt tiêu chí đơn vị học tập (ĐVHT).

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

CẦN SỰ CHUNG TAY

Từ đánh giá thí điểm, trên cơ sở chọn lựa của các quận, huyện, toàn TP có 8 GĐHT tiêu biểu, 8 DHHT tiêu biểu, 6 CĐHT tiêu biểu và 8 ĐVHT tiêu biểu. Ghi nhận từ các mô hình thí điểm, BCĐ Đề án 281 TP Đà Nẵng đã chọn ra những “điểm sáng” để có thể nhân rộng trong thời gian đến. Đó là các gia đình ông Trần Đình Thành (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến); ông Nguyễn Chiếu (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, cùng H. Hòa Vang); ông Nguyễn Cường (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), ông Phạm Huy Ánh (tổ 16, P. Phước Mỹ), ông Tiêu Chấn Phi Hải (tổ 26A, P. Mân Thái, Q. Sơn Trà); ông Mai Thanh Đông (tổ 41, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn); ông Phạm Thành Vân (tổ 169, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ); ông Đàm Văn Hùng (P. Chính Gián, Q.Thanh Khê) tiêu biểu trong mô hình GĐHT.

Nhiều DHHT cũng đạt được các tiêu chí trong giai đoạn thí điểm như Tộc Đặng Công, phái 2, Túy Loan, Hòa Phong; Tộc Trần Đình, thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến; Tộc Nguyễn (Đà Sơn), Tộc Phan Văn (Hòa Minh); Tộc Lê (Tân Thái, Mân Thái), Tộc Đàm (Mỹ Khê); Tộc Huỳnh Đức (Hòa Quý); Tộc Ông, Chi III (P.Hòa Thọ Đông); Tộc Ngô (P.Thanh Khê Tây)… Bên cạnh đó, mô hình CĐHT cũng đã nổi lên những điểm sáng mới qua thí điểm được hội nghị đánh giá cao.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, BCĐ TP đã gặt hái được thành công bước đầu trong việc triển khai thực hiện thí điểm các mô hình học tập, tạo được sự chuyển biến cả trong nhận thức lẫn tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành và trong nhân dân. Tuy nhiên, ông Chinh cũng thừa nhận, việc triển khai còn chậm và không đồng bộ.

Có quận chọn số lượng lớn gia đình để tham gia thí điểm GĐHT nhưng chưa có biện pháp chỉ đạo tương xứng nên có nhiều khó khăn khi đánh giá, thẩm tra. Nội dung của Bộ tiêu chí của T.Ư có điểm còn chưa phù hợp với thực tiễn nhưng góp ý cho Bộ tiêu chí chưa phản ảnh hết đặc điểm của các quận, huyện…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng lưu ý, năm 2016, Đề án 281của Chính phủ sẽ được triển khai trên diện rộng, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để từng người dân, cộng đồng đồng lòng tham gia tích cực thì đề án mới thành công.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất thiết phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, đầy quyết tâm thì chương trình này mới tạo được sức lan tỏa sâu rộng, không nên “bỏ ngỏ” cho Hội Khuyến học và Sở GD-ĐT TP làm. Việc chọn mẫu đối tượng cần phải chuẩn hơn trên cơ sở các giải pháp phù hợp, tránh sự chồng chéo…

Phương Kiếm