Hiệu quả từ mô hình "1+5"

Thứ năm, 15/01/2015 10:09

(Cadn.com.vn) - Duy Sơn là xã miền núi có địa hình phức tạp thuộc H. Duy Xuyên, Quảng Nam. Xã có giáo xứ Trà Kiệu, có 4 ngôi chùa, tín đồ theo Phật giáo và Thiên chúa giáo chiếm 1/3 dân số. Chính vì vậy nguy cơ bất ổn về tình hình ANTT rất cao. Theo thống kê, từ năm 2002-2011, trên địa bàn xã Duy Sơn có 45 người chấp hành án phạt tù xong trở về địa phương nhưng không có công ăn việc làm ổn định.

Những người này thường tái phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, thường xuyên tụ tập gây rối. Trước tình hình đó, mô hình "1+5" ra đời có ý nghĩa là một người chấp hành án phạt tù xong về địa phương thì 5 tổ chức đứng ra giúp đỡ (gia đình, dòng tộc, nhà trường, mặt trận, ban công an) để họ có niềm tin tái hòa nhập cộng đồng.

Trưởng CAX Duy Sơn, Phạm Tấn Phương chia sẻ: Với mô hình này, lực lượng CAX luôn là trung tâm. Tùy theo độ tuổi, giới tính, hoàn cảnh gia đình mà phân công người giúp đỡ họ. Ví dụ, những người cần vốn để ổn định kinh tế thì tùy theo độ tuổi (nông dân, thanh niên, phụ nữ) cho vay vốn làm ăn; những người có nhu cầu học nghề thì hằng năm UBND xã phối hợp với trung tâm dạy nghề đào tạo để họ có cơ hội tìm được việc làm.

Anh Phạm Tấn Phương chia sẻ về mô hình "1+5".

Qua 4 năm thực hiện, mô hình trên đã phát huy được hiệu quả cao. Cụ thể, đã có 28 người được giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 11 người được các hội đoàn thể tín chấp bảo lãnh cho vay với số tiền 149 triệu đồng. Đáng mừng nhất là trường hợp một em sau khi chấp hành án đã được nhà trường tiếp nhận vào học và hiện nay đang theo học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Ngoài ra, UBMTTQVN xã đã giúp đỡ xây dựng 8 nhà ở đại đoàn kết cho những trường hợp tù tha về không có nhà ở ổn định, xin cho 9 người vào làm các Cty trên địa bàn.

Sự thành công đó không chỉ Ban công an xã phấn khởi mà lòng tin của người dân được củng cố, đối tượng phạm pháp giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2010 trên địa bàn xã xảy ra 42 vụ thì đến năm 2013 chỉ còn 22 vụ.

Đặc biệt, sau khi Nghị định số 80/2011/NĐ-CP "Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù" đã thay đổi cơ bản về nhận thức của người dân. Những cái nhìn thân thiện, hòa đồng đã giúp người lầm lỡ quay về với nẻo thiện. Từ những kết quả trên, trong 5 năm liền (2009-2013), CAX Duy Sơn luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua Xuất sắc khối đồng bằng đô thị.

Trải qua thời gian dài điều hành, hoạt động của mô hình, anh Phạm Tấn Phương nhận xét: "Làm công tác tái hòa nhập cộng đồng là cần biết họ nghĩ gì, cần gì để có biện pháp thiết thực. Muốn làm được việc này thì phải trực tiếp gần gũi, nói chuyện với họ để cảm thông và khích lệ họ trong quá trình phấn đấu làm lại cuộc đời. Tôi tin tưởng trong tương lai, mô hình "1+5" sẽ tiếp tục phát huy được hiệu quả nhân văn của nó".

Hà Dung