Học đi đôi với... "hành"!
- NXD biết Hai xứ Quảng đang nói về bức “tâm thư” của học sinh Trường THPT Núi Thành, thu hút sự quan tâm của cư dân mạng những ngày qua.
- Phải, với lịch học chính rồi học thêm dày đặc như hiện nay, học sinh chỉ biết “học”, còn chuyện có “hành” được hay không thì không dám chắc.
- Học phải đi đôi với hành chứ!
- Theo Hai biết thì người viết “tâm thư” ấy là em K., học sinh của trường. Em phản ánh việc mình và các bạn cùng lớp cảm thấy đuối sức khi phải chạy theo lịch học. Nội dung em K. bày tỏ sự bức xúc trước việc học sinh gặp nhiều khó khăn vì “trên lớp thầy cô không dạy đủ kiến thức và không thể học kịp các bạn đi học thêm”. Ngoài ra, học sinh còn “bị hù dọa đủ kiểu để đăng ký, như thầy dạy môn Sinh bắt chúng em ai đi học thêm giơ tay ngay trong giờ học chính”, “đi học thêm thì thầy cô sẽ giải hoặc gợi ý những bài sẽ cho ra đề kiểm tra và ưu ái khi kiểm tra bài, chấm bài. Không đi học thêm thì thầy cô sẽ khắt khe, thậm chí tìm mọi cách chèn ép, vì thế không đi học thêm sẽ không bao giờ được học sinh giỏi”.
- Em K. nói không sai, bởi thực trạng này khá phổ biến. Đó không chỉ là ý kiến cá nhân mà còn là tâm tư chung của rất nhiều học sinh hiện nay.
- Không phủ nhận việc học thêm giúp các em hiểu sâu hơn các vấn đề mà trên lớp thầy cô không có đủ thời gian truyền tải, nhưng việc lạm dụng dạy thêm, học thêm đã đưa đến nhiều hệ lụy. Đương nhiên người trực tiếp chịu hậu quả này là học sinh.
- Không chỉ học sinh “căng” như dây đàn với dạy thêm, học thêm mà ngành Giáo dục Quảng Nam cũng vất vả trong chấn chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế về học thêm vẫn rất lớn, công tác đổi mới giáo dục chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, và thu nhập của giáo viên còn khá thấp so với nhiều ngành nghề khiến việc dạy thêm vẫn còn nhiều “méo mó”. Riêng về “tâm thư” của em K., nhà trường xử lý thế nào?
- Theo Hai nghĩ, cách ứng xử với bức “tâm thư” mà thầy Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành đã làm là tốt. Đó là tổ chức cuộc họp vào chiều 28-12-2017 với sự tham gia của 85 thầy cô, ban giám hiệu. Tại đây, bức thư được Hiệu trưởng đọc để mỗi thầy cô, dù có hay không có việc ép học thêm, sẽ tự vấn lương tâm, nhìn nhận lại những gì mình đã làm. Ngoài việc “tự suy nghĩ lại việc bản thân mình đã làm”, 85 thầy cô giáo đã đồng loạt ký cam kết về việc thực hiện đúng quy tắc đạo đức nhà giáo, nâng cao lòng yêu thương săn sóc học trò, không ép buộc học sinh mình phải đi học thêm, không dạy thêm trái quy định. Ngoài ra, nhà trường tạm dừng việc dạy thêm trong trường, để tổ chức lại thầy cô đứng lớp dạy cũng như nội dung dạy thêm. Bởi chính giáo viên phải hiểu, phải “thông” thì mới hy vọng giải quyết được vấn đề.
- NXD cũng được đọc nhiều “tâm thư” về ngành Giáo dục, mà hầu hết là của những người trong cuộc. Những “tâm thư” ấy đã có tác động khá tích cực, và hy vọng tâm tư của em K. cũng đem đến hiệu ứng tích cực như thế.
N.X.D